5 biện pháp xử lý ô nhiễm không khí tại Hà Nội
Đã kiểm duyệt nội dung
Nhiều giải pháp xử lý môi trường ngắn hạn được đề xuất và triển khai bước đầu mang tính khả quan nhưng về lâu dài chúng vẫn chưa xử lý hoàn toàn tình trạng ô nhiễm không khí cấp bách như hiện nay. Vào những tháng cuối năm 2019 và 2 tháng đầu năm 2020, chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội ở ngưỡng xấu và rất xấu với chỉ số chất lượng không khí (AQI) nằm trong khoảng 150 – 200 (mức có hại).
Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng không khí ở Hà Nội trong đó phải kể đến việc đốt rơm rạ ở khu vực ngoại thành khiến lượng khói bụi tăng lên mức đột biến đối với thủ đô lên ngưỡng kỷ lục. Ngoài ra phải kể đến hoạt động từ quá trình sản xuất công nghiệp, làng nghề, khí thải giao thông, công trình xây dựng và sử dụng than tổ ong.
Các giải pháp xử lý ô nhiễm không khí ở Hà Nội
Giải quyết triệt để nạn đốt rơm rạ tràn lan
Việc này xảy ra là do ý thức của người dân chưa cao. Cho nên cần hỗ trợ chính sách trong việc thu gom, hướng dẫn sử dụng rơm rạ làm phụ phẩm tạo động lực nguồn kinh tế ổn định hơn và cho dừng ngay việc đốt rơm rạ. Cần tuyên truyền, ngăn chặn và giáo dục người dân; ban hành chế tài xử phạt, cấm đốt rơm rạ trên diện rộng.
Vào mùa vụ, thực trạng đốt rơm rạ diễn ra rầm rộ, nhiều địa phương đốt rất nhiều chủ yếu diễn ra vào chiều tối cho tới tận gần sáng hôm sau. Chủ tịch thành phố Hà Nội chỉ đạo phải chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ trên toàn bộ 30 tỉnh thành và đồng thời xóa bỏ việc sử dụng bếp than tổ ong.
Xử lý chất thải làng nghề và cụm công nghiệp
Trong đó cần chú trọng xử lý khí thải trong các ngành nghề như: tái chế giấy, nhựa, kim loại, xi mạ trong các hoạt động sản xuất công nghiệp. Mặc khác, các khu công nghiệp không được quy hoạch đồng bộ, còn nằm xen kẽ trong khu dân cư hoặc trên các trục giao thông chính khiến chất lượng không khí giảm sút rõ rệt.
Theo thống kê Hà Nội có hơn 1.350 làng nghề nhưng chỉ có 305 làng nghề được công nhận, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn người nhưng đa số các làng nghề vẫn chưa quan tâm đến việc xử lý chất thải đúng theo quy định.
Tăng cường sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường
Để xử lý khí thải ô nhiễm triệt để cần xử lý tại nguồn, như các phương tiện xe cộ nếu gây ô nhiễm vượt mức cho phép thì phải tạm ngưng sử dụng. Nhằm kiểm soát khí thải, người dân cần tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe chạy bằng năng lượng sạch hoặc chuyển sang đi bộ, xe đạp nếu cần thiết.
Đối với những phương tiện cũ hoặc vượt quá hạn kiểm định cho phép thì cần được kiểm tra, kiểm soát kịp thời để loại bỏ những thành phần phương tiện gây ô nhiễm môi trường.
Tăng cường quá trình giám sát công trình xây dựng
Địa bàn Hà Nội có hơn 1.000 công trình xây dựng lớn nhỏ và dự kiến khoảng 10.000 m2 đất bị đào bới. Hầu hết các dự án cải tạo hạ tầng, xây dựng đường giao thông, xây dựng khu đô thị, khu dân cư gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ngoài ra các xe chở vật liệu xây dựng không che bạt khiến bụi bay khắp nơi, phế thải lấn chiếm vỉa hè, rơi vãi vật tư, đất cát,… cũng ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường.
Vì thế cần lắp đặt camera giám sát tại các công trình xây dựng được theo dõi từ cơ quan quản lý môi trường góp phần kiểm soát và quản lý các hoạt động xây dựng không gây hại đến môi trường và kịp thời khắc phục các sự cố môi trường xảy ra.
Chấm dứt tình trạng sử dụng than tổ ong
Xử lý khí thải lò đốt hay nói đúng hơn là cần chấm dứt ngay tình trạng sử dụng than tổ ong của người dân. Tại nhiều quán ăn, nhà hàng có đến 55.000 bếp than tổ ong đang được sử dụng.
Việc sử dụng than tổ ong ngày càng nhiều sẽ tạo điều kiện phát thải hàng nghìn tấn khí CO2 thải ra môi trường. Vì thế việc tiếp xúc với than tổ ong còn gây ra bệnh hô hấp mãn tính, lao, hen suyễn, phổi tắc nghẽn hoặc gây tổn thương về cơ tim, hệ thần kinh. Hiện nay, giải pháp xử lý tốt nhất là thay thế sử dụng bếp than tổ ong bằng nhiều loại khí đốt thân thiện khác như các loại bếp thế hệ mới, bếp gas, bếp điện, khí sinh học (CH4),…