8 sự kiện môi trường nổi bật 2020
Đã kiểm duyệt nội dung
Năm 2020 vừa kết thúc, cùng công ty môi trường Hợp Nhất điểm qua 8 sự kiện môi trường nổi bật được cộng đồng, xã hội quan tâm nhất trong thời gian qua.
Luật BVMT sửa đổi được thông qua
Trước sự tán thành và đồng ý của các đại biểu, Luật BVMT sửa đổi được Quốc hội thông qua gồm 16 chương và 71 điều. Từ những quy định trước đó, Dự thảo luật sửa đổi tập trung vào hoạt động BVMT quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình.
Theo đó, Luật BVMT còn quy định 7 nguyên tắc và 14 hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Luật BVMT sửa đổi phản ánh mạnh mẽ tư duy quản lý môi trường bằng chính sách phát triển với phương châm không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế. Luật cũng được xây dựng hàng loạt tiêu chuẩn, quy chuẩn tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam hoàn thành cam kết quốc tế và chủ động ứng phó với BĐKH.
Luật BVMT sửa đổi thay đổi rõ rệt các quy định lập đánh giá tác động môi trường, chủ động phòng ngừa và quản lý môi trường cho doanh nghiệp. Đồng thời, Luật cũng cắt giảm nhiều thủ tục hành chính để các lĩnh vực dễ dàng ứng dụng công nghệ thân thiện, tiết kiệm nước, năng lượng, tài nguyên,… trong quá trình phát triển.
Có 458 trận thiên tai với tổng thiệt hại 33.500 tỷ đồng
Năm 2020 đánh dấu một năm đầy biến động, phức tạp và khốc liệt nhất từ trước đến nay ở nước ta. Với 458 trận thiên tai gồm bão, lũ lụt, dông lốc, sạt lở đất, động đất, hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún đê biển gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nghiêm trọng nhất là trận bão, lũ lụt ở khu vực miền Trung vừa qua.
174 ha đất rừng được chuyển đổi làm sân golf ở Gia Lai
UBND Gia Lai đang thận trọng trong việc chuyển đổi 174 ha đất rừng để xây dựng dự án sân golf Đăk Đoa. Dự án này được đánh giá sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc đô thị, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần quảng bá văn hóa và tăng thêm tiềm lực phát triển ngành du lịch.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi 174 diện tích đất rừng thành sân golf sẽ làm mất vĩnh viễn thảm diện tích rừng lớn với tuổi thọ gần 50 năm cùng thảm thực vật phong phú. Trong khi đó, BĐKH và thời tiết cực đoan diễn biến phức tạp, sạt lở đất tại nhiều địa phương thì chúng ta phải nhìn nhận lại việc phá rừng, thay đổi đặc tính tự nhiên để phát triển du lịch.
8 tỉnh bị châu chấu tre lưng vàng tàn phá 300 ha cây trồng
Từ đầu năm 8 tỉnh gồm Sơn La, Điện Biên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thanh Hóa phá hoại gần 300 ha cây trồng bởi châu chấu tre lưng vàng. Loại côn trùng này có khả năng di chuyển nhanh, sức tàn phá lớn, khó kiểm soát.
Từ đầu tháng 6/2020, châu chấu tre lưng vàng di chuyển từ Lào sang Thanh Hóa và ngày 20/7/2020 chúng di trú từ Trung Quốc sang Điện Biên. Bộ NN&PTNT hợp tác cùng Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) theo dõi tình hình phá hoại của loài châu chấu này.
Dừng nhập khẩu động vật hoang dã
Đó là Chỉ thị 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/7/2020 về việc ngừng nhập khẩu động vật hoang dã. Trước thực trạng nhiều động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, chỉ thị ngăn chặn tình trạng săn bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật tại nhiều địa phương.
Ngừng nhập động vật hoang dã sống/chết, trứng, ấu trùng, bộ phận, dẫn xuất các loài động vật hoang dã (trừ các loài thủy sản phục vụ sản xuất, chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi,…).
Rác thải từ đại dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 năm 2020 tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên cả nước, làm thất thoát nguồn kinh tế đến mọi ngành nghề/lĩnh vực. Trước nhu cầu chữa bệnh tăng vọt, đại dịch khiến lượng rác thải nhựa không ngừng tăng cao như khẩu trang y tế, bơm kim tiêm, đồ bảo hộ. Đối với lượng CTNH này, người ta ưu tiên biện pháp đốt, thế nhưng lại gây ô nhiễm không khí.
Lượng rác thải từ các khu cách ly, khu dân cư trở thành nỗi lo đối với nhu cầu xử lý chất thải. Mặc dù giảm khí nhà kính trong thời gian ngắn nhưng đại dịch lại mang đến nhiều vấn đề môi trường khác.
Hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL
Năm 2020, ĐBSCL đứng trước nạn xâm nhập mặn, hạn hán khốc liệt và duy trì ở mức báo động. Xâm nhập mặn đã làm thiệt hại đến 39.000 ha diện tích sản xuất lúa, 95.600 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt, sản xuất.
Hạn hán, xâm nhập mặn tác động rất lớn đến hoạt động nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, giảm năng suất cây ăn trái. Vì thiếu nước mà các sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở cao.
Xoay quanh dự án khu du lịch lấn biển Cần Giờ
Bộ TNMT hết sức thận trọng trong việc phê duyệt báo cáo đtm đối với Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Cuối cùng báo cáo cũng được thông qua dưới sự thẩm định của các nhà khoa học hàng đầu và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
Các tác động của dự án như đa dạng sinh thái rừng ngập mặn, dòng chảy, nguy cơ bồi lắng, xói lở, nguy cơ ô nhiễm và tác động đến kinh tế - xã hội cũng được nghiên cứu. Dự án cũng được điều chỉnh quy mô từ 600 ha thành 2.700 ha với mục tiêu xây dựng khu vực du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị, nhà ở, khách sạn,…