Bắc Giang đối phó với hiện trạng ô nhiễm cục bộ
Đã kiểm duyệt nội dung
Các thủy vực sông trên địa bàn tỉnh Bắc Giang dần bị ô nhiễm vì nước thải sinh hoạt và công nghiệp nhiễm chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, amoni và vi sinh vật gây hại. Vì quá trình đô thị hóa mà dân số tăng nhanh kéo theo nhiều vấn đề môi trường xung quanh khu đô thị, khu dân cư. Các nguồn thải ra môi trường chủ yếu phát sinh từ 2 hình thức xả trực tiếp và xả thải đã qua xử lý.
Hiện trạng xả thải trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
Cơ sở hạ tầng xử lý nước thải đô thị, thị trấn hoặc khu dân cư tại nông thôn chưa được xử lý đồng bộ, một phần nước thải thu gom xử lý qua bể tự hoại, phần còn lại chưa được xử lý mà thải trực tiếp qua cống rãnh thoát nước hoặc ao hồ, thủy vực sông ngòi. Thành phố Bắc Giang triển khai nâng công suất trạm xử lý nước thải thành phố lên 20.000 m3/ngày đêm như nạo vét, cải tạo cống rãnh, chất lượng nước và cảnh quan môi trường được cải thiện rõ rệt.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 4/4 KCN đi vào hoạt động (KCN Đình Trám, KCN Sông Khê – Nội Hoàng, KCN Quang Châu và KCN Vân Trung) đã xây dựng và vận hành trạm xử lý nước thải tập trung đạt tỷ lệ xử lý 100% cùng 29 CCN đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Thế nhưng một số cơ sở sản xuất chỉ xử lý sơ bộ nước thải qua bể lắng lọc cơ học hoặc xả thẳng ra ngoài môi trường gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo kết quả quan trắc nước mặt, 42/50 vị trí quan trắc ô nhiễm do các thành phần môi trường đều vượt ngưỡng cho phép. Nguyên nhân ô nhiễm là do chưa xử lý nước thải làng nghề, nước thải chăn nuôi, sinh hoạt của các hộ dân chưa được thu gom và xử lý chưa đạt quy chuẩn cho phép.
Kết quả quan trắc nước dưới đất phát hiện 22/29 vị trí có dấu hiệu ô nhiễm. Các thành phần ô nhiễm gồm amoni, coliform, Fe, Pb,… tập trung chủ yếu tại huyện Việt Yên, Lục Ngạn, Yên Thế, Yên Dũng. Và đặc biệt khu vực TP Bắc Giang có hàm lượng amoni vượt chuẩn nhiều lần. Vì nguồn nước thải ô nhiễm tích tụ lâu ngày nên ngấm vào nước ngầm ảnh hưởng đến chất lượng nước dưới đất, nước sinh hoạt của người dân. Các khu vực nằm gần KCN, CCN, bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt không đảm bảo hợp vệ sinh nên chất thải rò rỉ làm suy giảm chất lượng nước dưới đất.
Với tình hình hiện tại, Bắc Giang đang tiếp nhận phần nước không đảm bảo chất lượng từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, bệnh viện, trường học, công nghiệp khai thác mỏ, khoáng sản,… Khối lượng nước thải không ngừng tăng lên nên nhiều địa phương chưa kiểm soát toàn bộ nguồn thải đã và đang gây suy thoái và ô nhiễm môi trường cục bộ. Đồng thời, công tác giám sát chất lượng nước mặt, nước dưới đất, cơ sở về quan trắc môi trường, quy hoạch tổng thể trên các lưu vực sông chưa đồng bộ.
Bắc Giang tập trung khắc phục các sự cố môi trường
Vì ngày càng nhiều cá nhân, tổ chức khai thác nước mặt và nước dưới đất phục vụ cho các mục đích sản xuất, kinh doanh trái phép hoặc không tuân thủ các quy định của pháp luật nên gây lãng phí tài nguyên và gia tăng các trường gây ô nhiễm nguồn nước.
Với những tiêu cực trên mà tỉnh Bắc Giang triển khai xây dựng nhiều công trình, giải pháp khắc phục và bảo vệ nguồn nước như quan trắc chất lượng nước mặt, kiểm soát việc khai thác và xả nước thải vào nguồn tiếp nhận, xây dựng nhà máy xử lý rác thải và nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Để khắc phục các hậu quả môi trường, cần đầu tư chi phí thực hiện nhiệm vụ quản lý, tăng cường hoạt động điều tra, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước phù hợp và tương xứng với yêu cầu đặt ra. Cần xây dựng kế hoạch phòng ngừa các nguồn nước bị ô nhiễm bằng cách đánh giá tổng thể hiện trạng nguồn nước mặt, nước ngầm dưới đất. Công tác đánh giá này mang ý nghĩa đặc biệt, phục vụ tốt cho công tác quản lý - xử lý môi trường, cấp phép, bảo vệ và quy hoạch có hiệu quả tài nguyên nước trong thời điểm hiện tại.