Các Loại Vi Sinh Vật Gây Bệnh Trong Môi Trường Nước
Đã kiểm duyệt nội dung
Trong môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng luôn tồn tại các loại vi sinh vật gây bệnh. Mặc dù, nguồn nước từ sông, hồ sẽ được xử lý, khử trùng trước khi đưa đến các đối tượng sử dụng nhưng ngay cả những kỹ thuật lọc tiên tiến nhất cũng không thể tiêu diệt 100% vi khuẩn gây bệnh tồn tại trong nước. Ở nội dung bài viết dưới đây, Môi trường Hợp Nhất trình bày đặc điểm các loại vi sinh vật gây bệnh trong môi trường nước thường gặp, các bạn cùng tham khảo nhé!
1. Các loại vi sinh vật gây bệnh
Trong môi trường nước tồn tại rất nhiều vi sinh vật gây bệnh mà các biện pháp xử lý nước truyền thống: keo tụ - lắng, lọc và khử trùng không thể tiêu diệt hết được mà chỉ có kỹ thuật màng lọc mới có thể loại bỏ chứng ra khỏi nước ăn uống. Dưới đây là một số loại vi sinh vật phổ biến.
1.1. Động vật đơn bào
Động vật đơn bào là dạng động vật sống nhỏ nhất có cấu tạo đơn bào nhưng chức năng hoạt động phức tạp hơn vi khuẩn và vi rút. Động vật đơn bào có thể sống độc lập hoặc ký sinh, có thể thuộc loại gây bệnh hoặc không, có loại có kích thước cực nhỏ nhưng cũng có loại có kích thước lớn nhìn thấy được. Các loại động vật đơn bào dễ dàng thích nghi với điều kiện bên ngoài nên chúng tồn tại rất phổ biến trong tự nhiên nhưng chỉ có một số ít thuộc loại sinh vật gây bệnh.
Những loài động vật đơn bào trong nước gây nguy hiểm đến con người như đơn bào Cryptosporidium, Amip Naegleria fowleri (Amip ăn não). Amip Entamoeba Histolytica (bệnh lỵ, tiêu chảy, mệt mỏi, sút cân), Amip Acanthamoeba (viêm giác mạc, viêm não), Plasmodium knowlesi (ký sinh trùng sốt rét).
1.2. Cryptosporidium
Đây là nguyên sinh động vật đơn bào điển hình và là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiêu chảy ở người (hình 3.1a trang 106). Suốt giai đoạn phát triển, Cryptosporidium được bao bọc bởi một lớp vỏ cứng gọi là nang bào, nang này có sức chịu kháng cao đối với quá trình khử trùng và các phương pháp xử lý nước truyền thống.
Căn bệnh do nhiễm Cryptosporidium có triệu chứng giống như các vấn đề về ruột và các triệu chứng thông thường là tiêu chảy, sụt cân, chuột rút, buồn nôn, mất nước,…
1.3. Giardia
Nhiễm Giardia là bệnh nhiễm ký sinh trùng đơn bào đường ruột trên, do loại trùng roi Giardia lamblia gây nên (hình 3.1b). Bệnh lưu hành trên toàn cầu, đặc biệt ở những vùng có điều kiện vệ sinh kém, trẻ em thường bị nhiễm nhiều hơn người lớn.
Ở một số quốc gia như Anh, Mỹ, Mexico bệnh gặp nhiều ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc lứa tuổi 25 – 29 và thường tăng cao từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Một vài nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy, tỷ lệ nhiễm Giardia lamblia ở trẻ em khoảng 15%, ở người lớn khoảng 1 – 10%.
2. Vi khuẩn
Là các sinh vật đơn bào có cấu tạo tế bào nhưng chưa có cấu trúc nhân phức tạp, thuộc nhóm Prokaryotes và thường không màu. Vi khuẩn có kích thước cực nhỏ chỉ khoảng 0,5 – 5,0 µm, có khả năng tự tổng hợp nguyên sinh chất từ môi trường xung quanh.
Vi khuẩn tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau nhưng thường là trực khuẩn (bacillus), cầu khuẩn (cocci), xoắn khuẩn (spirillum) và phẩy khuẩn (vibrios).
Các dịch tả (do vi khuẩn Vibrio cholerae, Comma Bacillus. E. Coli 015: H17…), bệnh thương hàn (do khuẩn Salmonella Typhi, Salmonella paratyphi), bệnh lỵ (Shigella), vi khuẩn bệnh tả (Vibrio cholerae).
2.1. Vi khuẩn E. coli
Vi khuẩn E. Coli có tên tiếng Anh là Escherichia coli, hay còn gọi là trực khuẩn đường ruột, là một trong những loài vi khuẩn chính ký sinh trong đường ruột vật chủ. Có nhiều loại E. Coli nhưng phần lớn chúng vô hại. Tuy nhiên có một số E. Coli có thể gây tiêu chảy và loại phổ biến nhất trong nhóm có hại này là E. Coli 0157: H7. Có một số trường hợp, vi khuẩn này gây rối loạn máu và suy thận, thậm chí dẫn đến tử vong.
Vi khuẩn E.coli xâm nhập vào cơ thể con người thông qua nguồn nước và thức ăn bị ô nhiễm bởi phân người và phân động vật. Chúng ta có thể bị nhiễm E. coli qua tắm sông mà nước bị nhiễm khuẩn hay nước chưa được khử khuẩn.
Nhóm trực khuẩn đường ruột đặc biết rất nguy hiểm do chúng rất dễ thích nghi với cơ thể người. Chúng bền vững với cả dịch vị của người. Trong điều kiện tự nhiên như nước, đất, kể cả thực phẩm, ở da, chúng có thể tồn tại hàng tuần thậm chí hàng mấy tháng.
2.2. Vi khuẩn Legionella
Đây là một loại vi khuẩn gây ra 34 ca tử vong ở Mỹ và 221 ca nhiễm khuẩn vào năm 1976. Mỗi năm trên thế giới, loại vi khuẩn này là nguyên nhân gây ra 1.800 trường hợp nhiễm khuẩn vì uống phải nguồn nước ô nhiễm. Các triệu chứng bệnh do vi khuẩn Legionella gây nên như sốt cao (trên 41,5oC), mệt mỏi, nôn, tiêu chảy và đau cơ (hình 3.2b trang 108).
2.3. Vi khuẩn Salmonella
Vi khuẩn Salmonella là loại gây bệnh thương hàn. Trong số các vi khuẩn này, có loại chỉ gây bệnh đối với người (typhos), có loại gây bệnh cả đối với người lẫn động vật (paratyphoid). Năm 2008, tại Mỹ có 79 ca ngộ độc Salmonella gây sốt và nôn mửa do nước máy.
Những người có hệ miễn dịch yếu như người già rất dễ bị nhiễm khuẩn Salmonella. Loại vi khuẩn này thường xuất hiện trong các thực phẩm như thịt bò, rau bina, thịt gà. Ít khi tìm thấy Salmonella trong nguồn nước uống nhưng thực tế chúng ta nên cẩn trọng khi uống trực tiếp nước sạch tại nhà hay nước máy.
Salmonella không sinh sản ở môi trường bên ngoài nhưng có thể tự bảo tồn ở nước sông trong 6 tháng, ở nước băng giá trong suốt mùa đông, ở nước giếng khơi trong 4 tháng, ở nước cấp thành phố dưới 3 tháng, ở nước thải 40 ngày.
Salmonella bền vững cả đối với những kháng sinh hoặc điều kiện khô ráo. Dung dịch thủy ngân 1% và dung dịch axit cacbonic 5% phải sau nửa giờ mới tiêu diệt được chúng. Khi clorua hóa nước cấp thì Salmonella cũng sẽ bị tiêu diệt.
2.4. Vi khuẩn Shigella
Vi khuẩn Shigella nhập vào cơ thể qua miệng rồi phát triển ở niêm mạc, đại tràng. Khi tế bào vi khuẩn chết, giải phóng độc tố. Độc tố ngấm vào thần kinh và phản ứng lại gây tổn thương ruột. Khi bệnh phát ra thì thường bị tiêu chảy và có máu. Nguồn bệnh là người đã mắc bệnh. Trực khuẩn lỵ Shigella có thể truyền bệnh do tiếp xúc trực tiếp, qua thức ăn, nước uống, đặc biệt là do ruồi nhặng.
So với Salmonella thì Shigella không bền vững bằng. Nhưng nó có thể chịu đựng được ở nhiệt độ thấp tới hàng tháng. Chúng có thể tồn tại ở nước sông tới 3 tháng, ở nước cấp thành phố 1 tháng, ở nước thải 1 tuần.
Đối với dung dịch sát trùng axit cacbonic 1%, sau nửa giờ thì chúng bị tiêu diệt. Khử trùng nước cấp đô thị bằng clorua hóa có thể tiêu diệt hoàn toàn trực khuẩn lỵ.
2.5. Vi khuẩn Vibrion gây bệnh tả Cholera
Đây là vi khuẩn điển hình của bệnh truyền nhiễm qua nước. Dịch tả là bệnh lan truyền nhanh và có tỷ lệ tử vong cao (hình 3.2c). Vi khuẩn Vibrion là loại phẩy khuẩn 1,5 – 2 µ, đôi khi dài giống trực khuẩn hoặc có khi ngắn giống cầu khuẩn. Vi khuẩn này không có giáp mạc, không tạo nha bào, nếu soi tươi thì rất di động.
Vi khuẩn vibrion xâm nhập vào cơ thể bằng thực đạo, phát triển ở niêm mạc tiểu tràng, giải phóng nội độc tố gây ra một loạt triệu chứng điển hình: lượng nước ngưng tụ rất lớn (tới 30 lít/ngày đêm), nôn mửa và tiêu chảy. Cơ thể bị mất nước nghiêm trọng, cường độ các quá trình oxy hóa giảm và các sản phẩm chưa kịp cháy hết (CO2) sẽ đọng lại ở các mô…
Ở nước sông, nước giếng, chúng bảo tồn được 3 tháng, nước cấp sinh hoạt 1 tháng. Nước thải là môi trường tốt nhất đối với chúng nên chúng có thể tồn tại được tới 7 tháng. Ở nước biển phẩy khuẩn còn có thể sống lâu hơn, có thể sinh sản với tốc độ cao hơn ở nước ngọt.
Phẩy khuẩn tả Vibrion rất nhạy với nhiệt độ cao, bị tiêu diệt khi đun nóng tới 52oC sau 30 phút, ngược lại rất thích nghi với nhiệt độ thấp. Phẩy khuẩn tả bị tiêu diệt ở dung dịch axit cacbonic 1% trong 5 phút, ở dung dịch thủy ngân 0,1% bị tiêu diệt ngay, trong nước không có chất hữu cơ hoặc với nồng độ Clo 0,015 thì chúng cũng bị tiêu diệt trong vòng 15 phút.
3. Vi rút
Vi rút còn có nhiều tên gọi khác nhau như siêu vi, siêu vi khuẩn hay siêu vi trùng – là một tác nhân truyền nhiễm chỉ nhân lên được khi ở bên trong tế bào sống của một sinh vật khác. Vi rút thuộc nhóm vi sinh vật chưa có cấu tạo tế bào, kích thước vô cùng nhỏ bé và có cấu trúc sinh học nhỏ nhất được biết đến. Vì vậy chỉ có thể quan sát được qua kính hiển vi điện tử. Vi rút tồn tại trong nước có thể gây ra nhiều bệnh liên quan đến sự rối loạn hệ thần kinh trung ương, viêm tủy xám, đau mắt đỏ, viêm ga, viêm ruột, viêm dạ dày…
Trên đây là một số loại vi sinh vật gây bệnh trong môi trường nước thường gặp. Thực tế còn rất nhiều loại vi sinh vật gây bệnh khác. Có thể thấy nguồn nước ở khắp nơi đều có nguy cơ bị ô nhiễm và không an toàn nếu chúng ta sử dụng trực tiếp mà chưa qua một phương pháp xử lý nào.
Môi trường Hợp Nhất là công ty môi trường chuyên cung cấp các thông tin, chủ đề về môi trường. Nếu bạn là một người quan tâm đến các vấn đề này, hãy thường xuyên truy cập website hoặc theo dõi các kênh mạng xã hội của Môi trường Hợp Nhất nhé. Xin cảm ơn!
Bộ phận Truyền thông & Marketing: Tổng hợp