Chuẩn Bị Mở Công Ty Cần Làm Hồ Sơ Môi Trường Gì?
Đã kiểm duyệt nội dung
Nếu bạn đang có ý định mở một công ty thì bên cạnh các hồ sơ khác cần chuẩn bị bạn cũng nên lưu ý việc thực hiện hồ sơ môi trường theo đúng quy định. Vậy nếu chuẩn bị mở công ty cần làm hồ sơ môi trường gì? Cùng Môi trường Hợp Nhất tham khảo thông tin dưới đây.
1. Cách xét đối tượng làm hồ sơ môi trường
Hiện nay hồ sơ môi trường đối với mỗi giai đoạn hoạt động của doanh nghiệp là khác nhau, dựa trên nhiều yếu tố, vì vậy chủ đầu tư cần nắm rõ thông tin trong các văn bản pháp luật hiện hành như: Luật bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Thông tư 02/2022/TT-BTNMT,… để có thể thực hiện theo đúng quy định.
Đối với công ty sắp thành lập, để biết được loại hồ sơ môi trường cần thực hiện, chủ đầu tư cần xác định rõ các thông tin sau:
- Xác định ngành nghề sản xuất, kinh doanh là gì?
- Tổng số vốn đầu tư là bao nhiêu?
- Dự án có chứa yếu tố nhạy cảm với môi trường hay không?
- Vị trí của dự án: nằm trong khu công nghiệp hay ngoài khu công nghiệp?
- Có phát sinh chất thải hay không (nước thải, khí thải, chất thải nguy hại)
- Có xây dựng công trình bảo vệ môi trường hay không (hệ thống xử lý nước thải, khí thải, chất thải nguy hại).
Khi đã xác định rõ các yếu tố trên thì có căn cứ để xét doanh nghiệp thuộc đối tượng làm hồ sơ môi trường nào.
Hiện nay đối với các dự án chưa đi vào hoạt động sẽ có các loại hồ sơ môi trường như:
Hồ sơ Đăng ký môi trường hoặc Giấy phép môi trường (làm 1 trong 2 hồ sơ, tùy vào quy mô của doanh nghiệp), Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
2. Hồ sơ Đăng ký môi trường
Theo Khoản 1, Điều 49, Luật BVMT 2020, đối tượng phải đăng ký môi trường bao gồm:
- Dự án đầu tư có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường;
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường.
Ví dụ: Ông A dự định mở một cơ sở chế biến cà phê tại xã Cư Bông, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk với tổng số vốn đầu tư là 5 tỷ đồng, cơ sở hoạt động với quy mô nhỏ và không có phát sinh bụi, khí thải hay nước thải, tuy nhiên có chất thải nguy hại (bóng đèn huỳnh quang thải, pin ắc quy thải) khoảng 1.000kg/năm.
Vậy ông A cần thực hiện hồ sơ Đăng ký môi trường tại xã Cư Bông (do cơ sở chế biến cà phê của ông không có phát sinh khí thải, nước thải và chất thải nguy hại dưới 1.200kg/năm nên dự án của ông thuộc đối tượng lập hồ sơ Đăng ký môi trường).
3. Hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường
Đánh giá tác động môi trường là quá trình phân tích, đánh giá, nhận dạng, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi hoặc giai đoạn đề xuất thực hiện dự án đầu tư (Theo Khoản 7, Điều 3, Luật BVMT 2020).
Theo Khoản 1, Điều 31, đánh giá tác động môi trường được thực hiện đồng thời với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.
Kết quả đánh giá tác động môi trường được thể hiện bằng cáo đánh giá tác động môi trường (Khoản 2, Điều 31, Luật BVMT 2020).
- Ví dụ về trường hợp lập báo cáo đánh giá tác động môi trường: Ông B sắp đầu tư một tư khu nghỉ dưỡng cao cấp có quy mô diện tích đất sử dụng là 254.000m2, quy mô khách và nhân viên vận hành dự án tối đa là 2.414 khách/ngày và nhân viên phục vụ khoảng 500 người, dự án có khai thác nước dưới đất với công suất 200m3/ngày để phục cho các hoạt động tại khu nghỉ dưỡng. Với quy mô như vậy, dự án dự định xây dựng các công trình bảo vệ môi trường như sau: hệ thống xử lý nước thải với công suất 1.000m3/ngày.
= > Căn cứ vào Luật BVMT 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP, ông B cần làm hồ sơ lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
4. Hồ sơ Giấy phép môi trường
Hiện nay giấy phép môi trường là hồ sơ môi trường bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân có phát sinh chất thải ra môi trường. (Đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng lập hồ sơ Đăng ký môi trường thì không thuộc đối tượng thực hiện giấy phép môi trường).
Các đối tượng phải lập giấy phép môi trường theo quy định tại Điều 39, Luật BVMT 2020.
- Ví dụ về trường hợp lập giấy phép môi trường: Chủ đầu tư một dự án sắp xây dựng nhà máy sản xuất xi măng với công suất 600.000 tấn/năm nằm tại KCN Nhơn Trạch I, tỉnh Đồng Nai, trong quá trình hoạt động sẽ có phát sinh nước thải và khí thải (chưa xây dựng hệ thống). Vậy trong trường hợp này, chủ đầu tư dự án phải thực hiện giấy phép môi trường (cấp Tỉnh).
Trên đây là một số thông tin về hồ sơ môi trường mà một công ty sắp đi vào hoạt động cần chuẩn bị. Trên thực tế, mỗi doanh nghiệp có ngành nghề hoạt động, số vốn đầu tư, chất thải phát sinh,… khác nhau nên việc thực hiện hồ sơ môi trường sẽ phải xét nhiều yếu tố.
Vì vậy, để biết chính xác hồ sơ môi trường của dự án mình, Anh/Chị có thể liên hệ tại Hotline: 0938.857.768 để được các chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm hỗ trợ nhanh chóng.