Con người và những tác động đến môi trường
Đã kiểm duyệt nội dung
“Bạn không thể trải qua một ngày mà không có sự tương tác với thế giới xung quanh. Điều mà bạn làm sẽ tạo ra sự khác biệt và chính bạn là người quyết định khác biệt nào bạn muốn có” (Jane Goodall). Bạn hãy luôn nhớ rằng, mỗi ngày trôi qua, thiên nhiên ưu ái vẽ tặng cho ta nhiều bức tranh hoàn toàn mới và ngày càng đặc sắc hơn.
Ở thế giới ấy, chúng ta sẽ cảm nhận từng ngày, từng giờ và từng phút những sự thay đổi của thiên nhiên. Không có sự bất biến, thời gian luôn lấy đi những gì tốt đẹp nhất, kể cả cuộc sống con người.
Những thay đổi bất thường của thiên nhiên
Cuộc sống không ngừng vận động, không ngừng đổi mới nhưng thiên nhiên lại ngày càng xuống sắc, không còn rực rỡ. Ô nhiễm, suy thoái và biến đổi khí hậu đã và đang làm mất đi diện mạo vốn có của nó.
Còn nhớ năm 2019, cả thế giới dõi theo đám cháy rừng Amazon – nơi được mệnh danh là lá phổi xanh của Trái Đất. Không gì là không thể. Một khu rừng rộng lớn chứa đựng và bao bọc biết bao thảm thực vật xanh ngắt, là nơi sinh sống và tồn tại của nhiều loài động vật quý hiếm. Chỉ trong vài tuần, đám cháy đã thiêu rụi tất cả mọi thứ, phá hủy không gian sống và không thể liệt kê hết những thiệt hại đã xảy ra.
Và rồi liệu có quốc gia nào dõng dạc đứng lên tuyên bố rằng đất nước của mình không bị ô nhiễm, thiên nhiên không bị tàn phá và biến đổi khí hậu chỉ là chuyện nhỏ không? Tác động không thiếu một khu vực nào, dù ít hay nhiều, đù đơn giản hay phức tạp cũng phần nào lấy đi những điều tốt đẹp nhất và dần thay thế bởi những hình ảnh tồi tệ hơn.
Từ các nước châu Á, vòng qua châu Âu, châu Mỹ rồi đến các quốc gia châu Phi luôn sống trong tình trạng “lo sợ” vì những gì môi trường tác động. Đói nghèo, khan hiếm nước, bệnh tật tràn lan và thậm chí suy giảm nền kinh tế là những gì đang diễn ra và có xu hướng gia tăng chóng mặt, đặc biệt xảy ra nhiều nhất ở các nước kém hoặc đang phát triển.
Nói như vậy không có nghĩa là các nước phát triển thoát khỏi thảm cảnh này. Suy cho cùng, ô nhiễm và suy thoái môi trường có được ngăn chặn hay không xuất phát từ ý thức của con người. Cách nhìn nhận càng thoải mái, càng hiện đại thì vấn đề mới được kiểm soát và giải quyết triệt để. Vì thế mà không phải ngẫu nhiên Nhật Bản, Singapore trở thành quốc gia điển hình trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường tối ưu và hiệu quả đến vậy.
Xoay quanh vấn đề xử lý môi trường
“Oằn mình” để chống chọi với sự “nổi giận của thiên nhiên” và không ngừng tìm kiếm các giải pháp xử lý môi trường, đấy là biểu hiện mà con người đang gánh chịu và không thể phủ nhận những khó khăn trong việc tìm kiếm biện pháp xử lý phù hợp. Sự can thiệp của pháp luật, của thể chế và quy định khắt khe mới chỉ kiểm soát và quản lý một phần những tác động tiêu cực ấy.
Nước thải, khí thải và chất thải luôn được nhìn nhận dưới góc nhìn môi trường là ô nhiễm. Và mối lo lớn nhất vẫn là tài nguyên nước với các thành phố đang phát triển, nhu cầu nước sẽ tiếp tục tăng cao nhằm phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa và sản xuất nông nghiệp.
Ô nhiễm nước đe dọa đến sức khỏe, lây lan bệnh tật và ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất sản phẩm. Những khu vực có chất lượng nước kém thường xảy ra nhiều thảm họa thiên tai, tổn thất về tài sản và người tại một số đô thị.
Trong khi đó, tài nguyên nước lại có giới hạn và sự phân bố không đồng đều theo không gian và thời gian ngày càng trầm trọng hơn dưới tác động của biến đổi khí hậu. Và rồi, lũ lụt gia tăng ở khu vực miền Trung, miền Nam và xâm nhập mặn ở ĐBSCL.