Công Nghệ Xử Lý SO2 Sau Quá Trình Cháy
Đã kiểm duyệt nội dung
Có nhiều công nghệ xử lý SO2 sau quá trình cháy, một số công nghệ điển hình như: sử dụng nước, bằng đá vôi hoặc vôi nung, phương pháp song kiềm… Mời bạn cùng Môi trường Hợp Nhất tìm hiểu thông tin về các phương pháp này qua nội dung bài viết dưới đây.
1. Xử lý SO2 bằng nước
Xử lý khí SO2 bằng nước được sử dụng khá phổ biến khi nồng độ SO2 trong khói thải nhỏ hơn 12%. Công nghệ này bao gồm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Hấp thụ SO2 bằng cách phun nước vào dòng khí thải, có thể sử dụng lớp vật liệu đệm để tăng diện tích tiếp xúc giữa nước và dòng khí.
- Giai đoạn 2: Tách khí SO2 ra khỏi nước để thu hồi SO2 và nước sạch.
Đặc điểm của công nghệ này là khi nhiệt độ nước phun tăng cao thì mức độ hấp thụ SO2 trong nước giảm, vì vậy nhiệt độ nước phun càng thấp thì hiệu quả hấp thụ SO2 càng cao. Ngược lại, để tách SO2 ra khỏi nước thì nhiệt độ nước phải cao. Khí SO2 sẽ được tách ra hoàn toàn ở nhiệt độ 100oC. Khí SO2 thu được có thể sử dụng cho việc sản xuất H2SO4.
Lượng nước thích hợp để hấp thụ 1 tấn SO2 được thống kê theo bảng 1 dưới đây:
Bảng 1: Thể tích nước lý thuyết [m3] cần thiết để hấp thụ 1 tấn SO2 đến trạng thái bão hòa ứng với nhiệt độ và nồng độ SO2 khác nhau trong khí thải.
Nồng độ SO2 trong khói thải, % khối lượng |
Lượng nước [m3] phụ thuộc vào nhiệt độ nước phun |
||
10oC |
15oC |
20oC |
|
12 |
48 |
55 |
66 |
10 |
57 |
67 |
78 |
8 |
70 |
84,5 |
96,2 |
6 |
92 |
106 |
123 |
4 |
140 |
165 |
200 |
2. Xử lý SO2 bằng đá vôi hoặc vôi nung
Xử lý SO2 bằng đá vôi CaCO3 hoặc vôi nung CaO được sử dụng khá phổ biến cho các lò hơi trong nhà máy nhiệt điện. Hệ thống này có ưu điểm là đơn giản, chi phí vận hành thấp, chất hấp thụ (đá vôi hoặc vôi nung) phổ biến và hiệu quả hấp thụ SO2 cao.
Hệ thống hấp thụ SO2 theo nguyên lý này đều đặt ở cuối đường khói, sau thiết bị thu hồi bụi vì vậy các chất khử, sản phẩm phụ của phản ứng đều ở trạng thái ướt; nhiệt độ phản ứng đều thấp hơn nhiệt độ đọng sương. Vì vậy, dòng khói sau khi ra khỏi thiết bị hấp thụ thường được gia nhiệt bổ sung trước khi dẫn vào ống khói.
Sử dụng đá vôi CaCO3 hoặc vôi nung hấp thụ SO2 được thực hiện theo các phương trình:
- Sử dụng đá vôi CaCO3:
CaCO3 + SO2 + ½ H2O = CaSO3.½H2O + CO2
- Sử dụng vôi tôi CaO:
CaO + H2O = Ca(OH)2
Ca(OH)2 + SO2 = CaSO3.½H2O + ½H2O
Vì trong khói thải có một lượng nhỏ oxy nên một phần CaSO3.1/2H2O được hình thành sẽ tiếp tục bị oxy hóa và chuyển thành thạch cao theo phản ứng:
2CaSO3.½H2O + O2 + 3H2O = CaSO4.2H2O
Để nâng cao hiệu quả hấp thụ SO2 khi sử dụng đá vô thì độ pH trong tháp nằm trong khoảng 5,8 ÷ 6,2; còn với vôi tôi thì độ pH khoảng 8.
Sơ đồ nguyên lý hệ thống hấp thụ SO2 bằng đá vôi được thể hiện trên hình dưới đây:
Nguyên lý hoạt động:
Đá vôi qua các máy đập và máy nghiền đến kích cỡ nhỏ được dẫn vào thùng hòa trộn tạo dung dịch sữa vôi mới. Dung dịch này được bổ sung vào tháp hấp thụ 1 thông qua tháp lọc tinh thể 2. Khói thải cũng với lượng khí SO2 dẫn vào tháp hấp thụ 1, trong tháp hấp thụ xảy ra phản ứng sử dụng đá vôi CaCO3.
Dung dịch thoát ra khỏi tháp chứa nhiều canxi sunfit và canxi sunfat dưới dạng tinh thể CaCO3.½H2O và CaSO4.2H2O và được dẫn vào tháp lọc tinh thể 2. Thiết bị này là một bình rỗng cho phép dung dịch lưu lại một thời gian đủ để tách các tinh thể.
Sau khi ra khỏi tháp này thì dung dịch này cùng với dung dịch sữa tươi mới cấp vào tháp hấp thụ SO2, phần còn lại được dẫn qua lọc chân không 3. Tại đây các tinh thể được giữ lại dưới dạng cặn bùn và được thải ra ngoài.
Hiệu quả hấp thụ SO2 có thể đạt đến 98%. Hiệu suất phụ thuộc vào vận tốc dòng khí cấp vào tháp hấp thụ và độ pH trong dung dịch sữa vôi tưới lên tháp được thể hiện trong bảng 2. Trở lực của tháp hấp thụ <20 mmH2O.
Bảng 2: Phụ thuộc hiệu suất hấp thụ η vào vận tốc khí trên tiết diện ngang của tháp [2]
Vận tốc khí v, m/s |
0,332 |
0,583 |
0,745 |
0,924 |
1,22 |
Hiệu quả hấp thụ SO2, η |
99,73 |
98,73 |
98,05 |
98,43 |
98,91 |
Bảng 3: Sự phụ thuộc hiệu suất hấp thụ η vào độ pH của dung dịch sữa vôi [2]
PH của dung dịch |
7,2 |
6,8 |
6,4 |
6 |
5,7 |
5,5 |
Hiệu quả hấp thụ SO2, η |
95 |
95 |
95 |
90 |
82 |
70 |
Khối lượng đá vôi CaCO3 cần để xử lý hết hàm lượng SO2 sinh ra từ quá trình cháy 1 tấn than được xác định theo công thức:
GCaCO3 = 10βSpMCaCO3/KMs, kg/tấn than (3)
Trong đó:
- Sp: Thành phần lưu huỳnh trong nhiên liệu (tính theo % khối lượng);
- Ms, MCaCO3: Phân tử gam của lưu huỳnh và canxi cacbonat;
- β: Hệ số khử SO2 trong khói thải, là mức độ cần thiết phải khử SO2 trong khói thải để đạt đến giới hạn cho phép: β = (mSO2 - mSO2 (tc))/mSO2;
- mSO2: lượng khí SO2 vào tháp hấp thụ, g/s;
- mSO2(tc): lượng khí SO2 trong khói thải cho phép tiêu chuẩn;
- K: tỷ lệ CaCO3 nguyên chất trong đá vôi (thường k = 0,8 ÷ 0,9);
Nếu dùng vôi nung thì trong công thức (3) thay MCaSO3 bằng MCaO.
Khối lượng cặn thu được từ quá trình hấp thụ SO2 được xác định theo công thức [1]:
Gcan = 10βSp/Ms (0,83 MCaSO3 0,5H2O + 0,17MCaSO32H2O) + (1-K) GCaCO3
Trong đó: Gcan là lượng cặn thu được trong quá trình xử lý, kg/tấn nhiên liệu.
3. Xử lý SO2 bằng phương pháp song kiềm
Ưu điểm của phương pháp này khắc phục các nhược điểm dễ đóng cáu cặn của phương pháp sử dụng đá vôi hoặc vôi tôi, đồng thời nâng cao hiệu quả hấp thụ SO2.
Chất khử lưu huỳnh thường dùng là NaOH, Na2CO3, Na2SO3 và được thực hiện theo các phản ứng:
2NaOH + SO2 = Na2SO3 + H2O
Na2SO3 + SO2 + H2O = 2NaHSO3
Na2CO3 + SO2 = Na2SO3 + CO2
Nhằm tái sinh dung dịch hấp thụ SO2 ta có thể sử dụng vôi tôi để tiến hành công việc này theo các phản ứng:
Ca(OH)2 + Na2CO3 = 2NaOH + CaSO3
Ca(OH)2 + 2NaHSO3 = Na2SO3 + CaSO3.½H2O + ½H2O
Do còn tồn tại một lượng oxy nhất định nên đồng thời có thể phát sinh phản ứng:
Na2SO3 + ½O2 = Na2SO4
Ca(OH)2 + Na2SO4 + ½O2 + H2O = 2NaOH + CaSO4.2H2O
4. Xử lý SO2 bằng các chất hấp phụ thể rắn
Nhằm hạn chế một số nhược điểm của phương pháp xử lý khí SO2 bằng phương pháp hấp thụ như: thiết bị cồng kềnh, chi phí vận hành cao, nhiệt độ khói thải thấp, độ ẩm cao dẫn đến giảm tuổi thọ thiết bị, Người ta sử dụng phương pháp xử lý SO2 bằng các chất hấp phụ thể rắn.
4.1. Hấp phụ SO2 bằng than hoạt tính
Sơ đồ nguyên lý hệ thống hấp phụ SO2 bằng than hoạt tính được thể hiện như sau:
Nguyên lý làm việc: Khói thải và khí SO2 được dẫn vào tháp hấp phụ 3. Tại đây khí SO2 được giữ lại trên bề mặt của than, tro bụi được tách ra khỏi dòng khói nhờ xyclon 4. Sau khi bão hòa SO2 than hoạt tính dẫn vào tháp hoàn nguyên được gia nhiệt đến nhiệt độ từ 400 đến 450oC (nhờ bộ gia nhiệt 7). Môi chất gia nhiệt là hơi nước, Khí SO2 thoát ra khỏi tháp hoàn nguyên có nồng độ từ 40 đến 50% và đạt đến 97% lượng SO2 cần xử lý (trước khi dẫn vào hệ thống). Than sau khi hoàn nguyên cùng với lượng than bổ sung được cấp vào buồng chứa than 1.
Hệ thống này hoạt động đơn giản, có thể ứng dụng cho mọi hệ thống khí thải liên tục hoặc gián đoạn. Nhược điểm: tùy thuộc vào quá trình hoàn nguyên dẫn đến tiêu hao nhiều than hoạt tính.
Hỗn hợp khí thoát ra khỏi tháp hoàn nguyên ngoài khí bao gồm SO2, H2S, S, trong đó khí H2S từ 2 đến 4%, lưu huỳnh S từ 0,1 đến 0,3% theo các phản ứng:
2SO2 + 3C +2H2O = 2H2S + 3CO2
SO2 + C = S + CO2
2S + C + 2H2O = 2H2S + CO2
Hiệu quả quá trình hấp phụ SO2 phụ thuộc vào thời gian làm việc của lớp vật liệu hấp phụ và được thể hiện trong bảng dưới đây:
Bảng: Nồng độ SO2 thoát phụ thuộc vào thời gian làm việc của lớp than hoạt tính
Thời gian τ, phút |
30 |
60 |
90 |
120 |
150 |
180 |
210 |
Nồng độ khí SO2, % trong khí thoát ra |
0,02 |
0,04 |
0,06 |
0,08 |
0,1 |
0,12 |
0,14 |
4.2. Xử lý SO2 bằng than hoạt tính có tưới nước - quá trình Lurgi
Sơ đồ nguyên lý của phương pháp này được thể hiện trong hình dưới đây.
Nguyên lý làm việc: Khí thải được làm cho bão hòa hơi nước ở nhiệt độ dưới 100oC đi qua lớp than hoạt tính có tưới nước trong thiết bị hấp phụ 3. Khí SO2 được giữ lại trong lớp than hoạt tính và oxy hóa thành SO3 nhờ có oxy trong khí thải;
SO3 kết hợp với H2O chuyển thành H2SO4 và theo nước chảy vào thùng 4 có nồng độ 20 ÷ 25%. Lượng axit này được trích một phần để làm nguội dòng khói thải có khí SO2 cần xử lý; quá trình này được thực hiện trong tháp rửa khí Venturi 1. Tại đây hỗn hợp được tăng tốc chuyển động rối và xé nhỏ thành các hạt mịn, nhiệt độ giảm xuống do có nước bốc hơi và axit loãng trở thành axit đậm hơn. Dòng khói được tiếp tục dẫn vào tháp hấp phụ 3 trước khi được tách tro, bụi tại xyclon 2.
Nếu trong các nhà máy hoạt động liên tục thì có thể lắp 2 tháp hấp phụ đặt song song nhau nhằm hoạt động luân phiên. Khi một cái hoàn nguyên thì cái còn lại thực hiện quá trình hấp phụ.
Hệ thống hoạt động có hiệu quả xử lý SO2 đạt đến 98 ÷ 99%, đây cũng là lý do mà hệ thống này được sử dụng nhiều trong công nghiệp.
Càm ơn bạn đã dành thời gian theo dõi bài viết, hẹn gặp lại bạn ở những chủ đề tiếp theo.
Xem thêm bài viết liên quan: