Đặc tính bùn cặn và các phương pháp xử lý bùn cặn
Đã kiểm duyệt nội dung
Bùn cặn là một sản phẩm phụ được tách ra sau quá trình xử lý nước thải. Trong bùn cặn thường chứa nhiều chất hữu cơ, vi sinh vật, vi khuẩn gây bệnh nên sau quá trình xử lý nước thải, bùn cặn cũng cần được xử lý để bảo vệ môi trường.
1. Đặc điểm, tính chất và thành phần của bùn cặn
Dưới đây là thông tin về đặc điểm, tính chất và thành phần của bùn cặn, mời bạn cùng tìm hiểu.
1.1. Số lượng bùn cặn sau xử lý
Bùn cặn được hình thành:
+ Sau xử lý cơ học:
- Tổng lượng cặn lơ lửng TSS trong nước thải: 50-70 gam/người/ngày.đêm. Khoảng 25-50 gam cặn/người/ngày.đêm tồn tại trong khâu xử lý bậc 1.
- Độ ẩm của cặn sau lắng 2h là 97,5% sau đó chúng nén dần trong hố tập trung đến độ ẩm 92-95%. Trung bình thể cặn lắng này là 0,6-08 lít/ người/ngày.đêm.
- Đây được gọi là cặn sơ cấp vì nó là thành phần không hòa tan sẵn có trong nước thải. Cặn này có chứa 65-70% là thành phần hữu cơ, tồn tại nhiều vi sinh vật và có nhiều loại vi sinh vật gây bệnh.
+ Sau xử lý sinh học (bùn màng sinh vật sau bể lọc sinh học hoặc bùn hoạt tính dư sau bể aeroten): bùn thứ cấp
- Đặc điểm: 8-32 gam/người/ngày.đêm dựa vào dây chuyền xử lý nước thải, độ ẩm 96-99,2%; thể tích bùn có thể đạt 2,5 lít/ người/ngày.đêm; kích thước tương đối đồng nhất; thành phần hữu cơ chiếm 70-75%, có chứa nhiều trứng giun sán, vi khuẩn gây bệnh.
1.2. Thành phần và tính chất của bùn cặn
Bùn cặn có thành phần rất phức tạp. Bùn cặn có nhiều chất hữu cơ cũng như các nguyên tố dinh dưỡng để làm phân bón rất tốt. Tuy nhiên, với tính chất chứa nhiều chất hữu cơ, bùn cặn dễ gây hôi thối làm ô nhiễm môi trường không khí, chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh, độ ẩm cao, khó vận chuyển, dùng bùn cặn tươi để làm phân bón cũng không có lợi.
2. Một số phương pháp xử lý bùn cặn nước thải
Mục đích:
- Ổn định bùn cặn và khử các chất hữu cơ dễ thối rữa.
- Làm khô bùn cặn để thuận tiện vận chuyển và dễ sử dụng.
- Khử độc bùn cặn hoặc thu hồi chất quý.
2.1. Tách nước sơ bộ
Giảm bớt độ ẩm bùn cặn để các bước xử lý tiếp theo được diễn ra được ổn định và giảm đi khối lượng xây dựng các công trình, đồng thời trong quá trình xử lý sẽ tiết kiệm được hóa chất. Tuy nhiên, khi giảm quá mức độ ẩm sẽ tạo ra bùn cặn khô, những điều kiện công nghệ của công trình ổn định bùn cặn sẽ khó thực hiện.
2.2. Quá trình ổn định bùn cặn
Quá trình ổn định bùn cặn là quá trình phân hủy sinh hóa những chất hữu cơ có trong bùn cặn. Quá trình này diễn ra trong điều kiện yếm khí hoặc điều kiện hiếu khí.
2.3. Quá trình xử lý sơ bộ bùn cặn
Hai cách xử lý sơ bộ bùn cặn thường được áp dụng như sau:
+ Xử lý sơ bộ bùn cặn bằng hóa chất: là quá trình đông kết các hạt phân tán tinh và keo để tạo thành bông cặn lớn, phá hủy và thay đổi các dạng liên kết của nước, thay đổi cấu trúc cặn và khả năng nhả nước của nó. Hóa chất thường được sử dụng là: vôi, phèn nhôm, phèn sắt FeCl3, các loại polime khác.
+ Xử lý sơ bộ bùn cặn không sử dụng hóa chất: dùng các biện pháp nhiệt, keo tụ điện hóa, lắng, phơi nắng,...
Trên đây là một số thông tin về đặc tính bùn cặn và các phương pháp xử lý bùn cặn do Công ty xử lý nước thải Hợp Nhất tổng hợp. Chúng tôi vô cùng hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp từ Quý bạn đọc để nội dung được hoàn thiện hơn, xin cảm ơn.