Đánh giá hệ thống XLNT về mặt kinh tế môi trường
Đã kiểm duyệt nội dung
Ngoài các tiêu chí đánh giá về kỹ thuật, kinh tế và môi trường cũng là một trong các mặt không thể thiếu trong quá trình đánh giá sự toàn toàn diện của một hệ thống xử lý nước thải.
Các tiêu chí đánh giá về mặt kinh tế
Tổng vốn đầu tư xây dựng công trình, chi phí vận hành và chi phí bảo trì, bảo dưỡng công trình là cơ sở để xác định các tiêu chí đánh giá về mặt kinh tế. Chi phí đầu tư công trình được sử dụng để so sánh lựa chọn phương án đầu tư có lợi nhất về mặt kinh tế.
Cụ thể các nhóm tiêu chí đánh giá về mặt kinh tế như sau:
- Chi phí xây dựng và lắp đặt thiết bị (tính theo suất đầu tư)
- Chi phí xây dựng bao gồm chi phí nguyên vật liệu xây dựng, công lao động, vận chuyển và một số chi phí phụ trợ khác. Chi phí này có thể được biểu diễn qua suất đầu tư xây dựng trên một đơn vị nước thải.
- Chi phí vận hành, bảo trì, sửa chữa (tính theo VNĐ/m3 nước thải)
- Chi phí vận hành bao gồm: chi phí điện, nước, hóa chất, nhân công. Các chi phí bảo dưỡng sửa chữa khác như: thay thế thiết bị - phụ tùng – bảo dưỡng – vi sinh vật,…
Các tiêu chí đánh giá về môi trường
Các tiêu chí đánh giá về môi trường được cụ thể như sau:
- Diện tích không gian sử dụng của hệ thống (tính cho 1m3 nước thải)
Diện tích không gian sử dụng của hệ thống xử lý nước thải là một tiêu chí về môi trường cần đánh giá trong công tác lựa chọn. Đối với các cơ sở y tế tại Việt Nam, diện tích đất sử dụng là hạn chế do các bệnh viện lớn thường nằm trong khu vực đông dân cư.
Việc lựa chọn một mô hình công nghệ có sử dụng ít diện tích đất thường là tiêu chí quan trọng hàng đầu đối với một số cơ sở. Một mô hình chiếm ít diện tích đất sử dụng, tạo cảnh quan môi trường hài hòa tại các cơ sở sẽ chiếm ưu thế trong việc lựa chọn.
- Tỷ lệ sử dụng nguyên liệu và năng lượng (tính cho 01 m3 nước thải)
Sử dụng ít năng lượng và nguyên liệu đồng nghĩa với việc hạn chế phát thải thứ cấp vào môi trường. Vì vậy tiêu chí này được liệt kê vào nhóm tiêu chí về môi trường.
- Khả năng tái sử dụng chất thải thứ cấp
Khả năng tái sử dụng sản phẩm thứ cấp sau xử lý được liệt kê vào nhóm tiêu chí về môi trường. Việc tái sử dụng nước thải sau xử lý cho việc tưới tiêu đối với nước thải các cơ sở y tế là việc có tính khả thi. Việc này rất có ý nghĩa đối với các cơ sở y tế vùng xa có điều kiện không thuận lợi về nước cấp.
Hơn nữa, việc tái sử dụng nước thải sau xử lý là việc làm tiết kiệm tài nguyên, mang tính bền vững và thân thiện với môi trường.
- Mức độ xử lý chất thải thứ cấp
Đặc biệt là trong xử lý nước thải ngành y tế, phát thải thứ cấp chủ yếu là bùn thải và khí thải. Một mô hình công nghệ được đánh giá cao khi quan tâm đến sự phát thải thứ cấp trong quá trình xử lý. Mô hình công nghệ hoàn thiện khi đề cao các giải pháp tổng thể trong xử lý triệt để cả hai yếu tố ô nhiễm phát sinh này.
- Mức độ rủi ro mất an toàn đối với người vận hành, môi trường và giải pháp phòng ngừa, khắc phục khi xảy ra sự cố
Đây là tiêu chí quan trọng nằm trong nhóm tiêu chí về môi trường. Mô hình công nghệ ít xảy ra các sự cố rủi ro mất an toàn đối với người vận hành và môi trường cũng như việc dễ khắc phục sau khi xảy ra sự cố môi trường.
Đối với các cơ sở y tế không sử dụng công nghệ tự động hóa trong xử lý hoặc có vị trí gần với khu dân cư, nguồn nước sinh hoạt,… cần phải đánh giá hết sức thận trọng tiêu chí này.