Doanh nghiệp cần làm gì để kiểm soát khí thải?
Đã kiểm duyệt nội dung
Nhiệm vụ quan trọng nhất của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hiện nay là tiến hành quản lý và kiểm soát khí thải gây ô nhiễm ngay tại nguồn phát sinh. Vậy làm thế nào để doanh nghiệp thực hiện hiệu quả mục tiêu này?
Doanh nghiệp phải kiểm kê khí thải
Việc kiểm kê các nguồn khí thải thường rất quan trọng đối với các cơ sở, doanh nghiệp có mức phát thải gây ô nhiễm môi trường cao. Quá trình kiểm kê phải lựa chọn thông số, nguồn khí thải công nghiệp, cách thức thực hiện và lập báo cáo. Mục tiêu của quá trình kiểm kê chủ yếu điều tra, khảo sát tại các cơ sở công nghiệp.
Việc kiểm kê khí thải được quy định cho 11 ngành như nhiệt điện, hơi công nghiệp, thép, xi măng, hóa chất, phân bón hóa học, dầu mỏ, khí đốt, chất thải thông thường và CTNH, nhà máy nghiền clinker. Tùy thuộc vào từng ngành mà việc kiểm kê khí thải sẽ phải đảm bảo liệt kê đầy đủ các yếu tố như bụi, SO2, CO, HF, HCl, SiO2, dioxin, furan.
Đối với Việt Nam, kiểm kê khí thải là lĩnh vực khá mới nên còn nhờ sự giúp đỡ từ các chuyên gia Nhật Bản. Tổ chức JICA đã kiểm kê khí thải cho 3 ngành như thép, xi măng và nhiệt điện vì những lĩnh vực này có mức phát thải lớn nhất.
Một số hạn chế của nhiệm vụ kiểm kê khí thải là gặp trở ngại khi thu thập thông tin, chưa nắm được hệ thống sản xuất, xử lý khí thải lò hơi hoặc chưa có kinh nghiệm trong việc hoàn thành báo cáo.
Đầu tư cho công nghệ XLKT
Các tiến trình phát triển kinh tế đã cho ra đời một khối lượng sản phẩm công nghiệp khổng lồ phục vụ cho mục đích tiêu dùng trong và ngoài nước. Nhưng, sản xuất công nghiệp lại gây ra vấn nạn ô nhiễm cho môi trường, nhất là chất lượng không khí. Vậy nên, nếu không có biện pháp thiết thực thì môi trường không khí xung quanh sẽ đứng trước nguy cơ bị xấu đi và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Theo nhiều kết quả quan trắc môi trường không khí, nồng độ bụi và khí thải độc hại tại các KCN, khu sản xuất vẫn có chiều hướng gia tăng. Chưa kể quá trình quan trắc ở nước ta được thực hiện theo kiểu lấy mẫu và phân tích trong phòng thí nghiệm với tần suất 2 – 6 lần/năm.
Do đó, các đơn vị cần đầu tư công nghệ xử lý khí thải bằng cách ứng dụng công nghệ phù hợp nhất. Có rất nhiều công nghệ xử lý khác nhau và đòi hỏi các yêu cầu thiết kế, lắp đặt và vận hành sao cho phù hợp với đặc tính nguồn thải.
Để tăng hiệu quả xử lý cần kết hợp triển khai các hoạt động kiểm toán năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và triển khai nhiều dự án sản xuất sạch hơn. Đồng thời doanh nghiệp cần phải đầu tư mạng lưới trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục để kiểm soát và hạn chế các nguồn thải.
Phải giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
Giai đoạn 2021 – 2030, Việt Nam sẽ nỗ lực giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính đối với các lĩnh vực:
- Năng lượng: giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất và sử dụng năng lượng cho ngành năng lượng, xây dựng, giao thông vận tải, gia dụng, nông nghiệp và dịch vụ thương mại.
- Nông nghiệp: quản lý và kiểm soát công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi phương thức sử dụng đất, ứng dụng công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, chất thải và tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ.
- Sử dụng đất và lâm nghiệp: quản lý đất rừng, đất trồng trọt, đất ngập nước và phát triển mô hình nông, lâm kết hợp.
- Quản lý chất thải: phát triển và ứng dụng công nghệ xử lý CTR sinh hoạt, công nghiệp nhằm hạn chế phát thải.
- Công nghiệp: tập trung giảm phát thải trong sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất và quản lý việc tiêu thụ các chất HFCs.
Vậy với những mục tiêu trong lĩnh vực xử lý môi trường như trên sẽ là căn cứ quan trọng để doanh nghiệp tiến hành hạn chế cũng như kiểm soát khí thải phát sinh tại các cơ sở sản xuất, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao,… một cách hiệu quả hơn.