Giờ trái đất 2020 và thông điệp truyền tải
Đã kiểm duyệt nội dung
Năm 2020, theo dự kiến thì giờ Trái đất sẽ bắt đầu vào lúc 20h30 và kết thúc lúc 21h30 ngày 28/03. Đây là hoạt động thường niên được tổ chức toàn cầu nhằm nâng cao ý thức của người dân về các hoạt động tiết kiệm – sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả cũng như đẩy mạnh xu hướng sử dụng và tái tạo sử dụng lại nguồn năng lượng sạch,…
Thói quen tiêu dùng ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường
Quản lý và sử dụng các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên giữ một vai trò rất lớn trong các vấn đề liên quan đến môi trường và kinh tế xã hội. Những con số thống kê từ các nghiên cứu khoa học đều chỉ ra rằng mức độ tiêu thụ và sử dụng tài nguyên hiên nay của con người cao hơn rất nhiều so với khả năng cung ứng của thiên nhiên.
Chính thói quen tiêu dùng lãng phí, sử dụng bất hợp lý nguồn nguyên liệu tự nhiên hay các hoạt động phá hoại môi trường như: vi phạm xả thải, chặt phá rừng,…đã dẫn đến hệ lụy của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu trong nhiều năm qua.
Nghiên cứu từ UNEP – Môi trường Liên Hợp Quốc đã có những dự báo cho tương lai của 30 năm sau. Theo đó thì để đáp ứng đủ các nhu cầu sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất công nghiệp thì tính đến năm 2050 sẽ cần tới 3 Trái Đất mới cung ứng đủ. Con số này đã tính theo tốc độ gia tăng dân số, và mức phát triển của nền kinh tế công nghiệp hóa trên toàn cầu.
Giờ Trái đất được triển khai như một lời cảnh báo và thúc đẩy chúng ta cần thay đổi thói quen tiêu dùng: chỉ sử dụng khi cần, giảm thiểu tối đa việc lãng phí và sử dụng các sản phẩm dùng một lần,…Trong đó thì xu hướng sống xanh là cách tốt nhất để khắc phục và hạn chế tối đa hệ lụy của suy thoái môi trường.
Trách nhiệm bảo vệ hành tinh
Rất nhiều chương trình, rất nhiều hoạt động đã được Chính phủ nước ta tổ chức, ngập tràn khẩu hiệu về bảo vệ môi trường trên các phương tiện truyền thông, báo đài,…thế nhưng những ghi nhận mới nhất về tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn đang ở mức khá cao.
Liên tục và liên tục tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Hải Phòng,…nằm trong danh sách các thành phố có chỉ số chất lượng không khí thấp, bụi mịn vượt quá cho phép. Đặc biệt là các chỉ số không khí ở thủ đô Hà Nội luôn ỡ ngưỡng báo động đỏ khi nằm trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Các công tác kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về xả thải gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước được tổ chức định kỳ và thường xuyên thế nhưng không ít các doanh nghiệp vẫn chạy theo lợi nhuận, bất chấp mọi vấn đề liên quan đến môi trường.
Có những đơn vị đã bị xử phạt hàng tỷ đồng trong nhiều năm liên tiếp thế nhưng vẫn tái vi phạm. Vấn đề nằm ở đâu? Các doanh nghiệp này là doanh nghiệp nhỏ với vốn đầu tư thấp và để xây dựng được hệ thống xử lý khí thải – nước thải là điều gì đó hơi quá sức. Ngoài ra vấn đề còn nằm ở phía các hệ thống xử lý này chưa đạt hiệu quả hay lưu lượng nước thải vượt quá công suất của hệ thống.
Hy vọng rằng trong năm 2020, qua công tác tuyên truyền của Giờ trái đất, nước ta và toàn thế giới có thể tìm ra giải pháp tốt nhất để sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả nhất, các công tác bảo vệ và xử lý môi trường đạt hiệu quả cao nhất! Các doanh nghiệp cùng người dân cũng qua đó có thể hiểu được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong công tác bảo vệ môi trường!