Hệ Thống Xử Lý Nước Thải 5M3
Đã kiểm duyệt nội dung
Một cơ sở sản xuất trái cây sấy với công suất 1 tấn sản phẩm/ngày, có tổng số công nhân làm việc là 15 người, lưu lượng nước thải tối đa là 4m3/ngày đêm (nước thải sản xuất chủ yếu là nước rửa trái cây nên không ô nhiễm nhiều và nước thải sinh hoạt là chủ yếu). Nếu chủ cơ sở muốn đầu tư hệ thống xử lý nước thải 5m3/ngày.đêm thì chi phí bao nhiêu tiền để có thể lên kế hoạch dự trù kinh phí và hệ thống này xử lý theo công nghệ nào?
1. Thông tin về hệ thống xử lý nước thải 5m3/ngày.đêm
Nếu bạn là chủ doanh nghiệp có phát sinh nước thải với lưu lượng 5m3/ngày.đêm hoặc nhỏ hơn thì có thể tham khảo những thông tin dưới đây.
1.1. Hình thức xây dựng, lắp đặt
Hệ thống xử lý nước thải 5m3 có nhiều dạng như kiểu xây dựng bằng bê tông nổi trên mặt đất, xây bán nổi hoặc xây âm chìm dưới đất; kiểu lắp module hình chữ nhật, kiểu lắp bồn composite,… tùy vào yêu cầu và đặc điểm địa hình ở mỗi doanh nghiệp mà chủ đầu tư có thể lựa chọn kiểu phù hợp.
Thông thường với lưu lượng nước thải nhỏ, người ta thường ưu tiên chọn module xử lý nước thải dạng hình hộp chữ nhật để tiết kiệm chi phí.
1.2. Diện tích lắp đặt bao nhiêu m2?
Với hệ thống có công suất 5m3 thì chiếm khoảng không gian với diện tích là 5 mét vuông. Thông thường, trước khi xây dựng hoặc lắp đặt hệ thống, đơn vị xây dựng sẽ xuống kiểm tra lại và chuẩn bị mặt bằng. Nếu xây dựng theo kiểu âm chìm dưới đất thì chủ đầu tư có thể tận dụng thêm không gian bên trên cho các mục đích khác.
1.3. Về chi phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải 5m3/ngày.đêm
Ở ví dụ trên, tổng lưu lượng nước thải cần xử lý là 5m3 và chủ yếu là nước thải sinh hoạt. Tuy nhiên chưa nêu rõ là yêu cầu chất lượng nước đầu ra theo tiêu chuẩn cột A hay cột B. Vì vậy chi phí chỉ có thể ở mức ước chừng như sau:
- Xây âm bằng bê tông cốt thép: Chi phí dao động từ 240 triệu đồng đến 260 triệu đồng.
- Lắp đặt nổi bằng bồn nhựa: Chi phí dao động từ 190 triệu đồng đến 210 triệu đồng.
* Lưu ý: Chi phí này chỉ mang tính chất tham khảo và có thể thay đổi đối với từng công nghệ và các loại nước thải sản xuất có thành phần ô nhiễm khác nhau.
2. Sơ đồ công nghệ xử lý nước thải 5m3
Ở ví dụ trên, nước thải phát sinh chủ yếu là nước thải sinh hoạt nên hệ thống xử lý nước thải được tính toán thiết kế để xử lý nước thải sinh hoạt. Nước thải sinh hoạt của 15 cán bộ, công nhân viên làm việc tại xưởng sẽ được thu gom và xử lý bằng bể tự hoại trước khi đi vào hệ thống xử lý.
Sơ đồ công nghệ xử lý nước thải (sau bể tự hoại)
Nước thải sinh hoạt + Nước rửa trái cây + Nước rửa sàn > Hố thu gom + Song chắn rác > Bể điều hòa > Bể tách mỡ > Bể xử lý hiếu khí (anoxic) > Bể xử lý hiếu khí (aerotank) + Lọc MBR > Bể khử trùng > Bồn chứa nước sạch
Thuyết minh quy trình
- Hố thu gom + Song chắn rác: Nước thải từ các nguồn phát sinh như nước thải sinh hoạt (đã qua bể tự hoại), nước rửa trái cây và nước rửa sàn được dẫn về hố thu gom và được loại bỏ rác thô thông qua song chắn rác.
- Bể điều hòa: Nước thải được bơm lên bể điều hòa để điều hòa lưu lượng và nồng độ chất ô nhiễm, tránh bị sốc tải trọng cho các công đoạn xử lý tiếp theo.
- Bể xử lý sinh học thiếu khí (anoxic): Diễn ra quá trình khử nitrat và khử photphorit. Vi sinh vật tùy nghi (có sử dụng hoặc không sử dụng oxy) sẽ phân hủy các hợp chất hữu cơ có chứa Nitơ và Photpho trong nước thải, chuyển hóa chúng thành các hợp chất không có chứa photpho hoặc các hợp chất có chứa photpho nhưng dễ bị phân hủy với vi sinh vật hiếu khí (ở giai đoạn sau đó).
- Bể xử lý sinh học hiếu khí (aerotank) + Màng lọc MBR:
- Bể xử lý sinh học hiếu khí sử dụng bùn hoạt tính lơ lửng với hệ vi sinh vật hiếu khí để phân hủy chất hữu cơ trong nước thải. Hệ thống sử dụng màng lọc MBR, được ngâm trong bể hiếu khí. Tại đây, không khí được tăng cường bơm vào bể thông qua hệ thống phân phối khí được bơm dưới đáy bể để đảm bảo lượng oxy hòa tan trong nước duy trì ở mức 2 – 4mg/lit nhằm cung cấp đủ lượng oxy cho vi sinh vật sống tiêu thụ các chất hữu cơ trong nước thải.
- Màng MBR trong bể sẽ tách chất rắn lơ lửng khỏi chất lỏng trong quá trình lọc. Kích thước lỗ rỗng của màng là 0.1 micron nên các chất rắn lơ lửng, vi khuẩn coliform được loại bỏ. Màng MBR giữ lại hết các cáu cặn, vi khuẩn,… còn phần nước sạch được bơm ra bên ngoài.
- Bể khử trùng: Sau đó nước thải được dẫn qua bể khử trùng để loại bỏ các vi khuẩn, vi rút còn sót lại sau quá trình xử lý. Cuối cùng, nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn quy định và được xả ra môi trường.
3. Quy chuẩn về nước thải sinh hoạt
Hiện nay, QCVN về nước thải sinh hoạt là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là QCVN 14:2008/BTNMT. Quy chuẩn này quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải sinh hoạt khi thải ra môi trường.
- Xem chi tiết: TẠI ĐÂY
Trên đây là một số thông tin về hệ thống xử lý nước thải 5m3. Với công suất xử lý này, Quý khách có thể chọn cách lắp module xử lý kiểu hình hộp chữ nhật để tiết kiệm chi phí. Đây là một hệ thống xử lý nước thải với đầy đủ các chức năng và hiện nay được sử dụng rất nhiều.
Nếu Quý Khách đang có nhu cầu thi công, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải hãy liên hệ Hotline: 0938.857.768, Môi trường Hợp Nhất sẽ hỗ trợ Quý Khách tận tình.