Kiến thức về môi trường và chức năng của môi trường
Đã kiểm duyệt nội dung
Chúng ta đã quá quen thuộc với hai từ “môi trường” nhưng ít ai nắm hết “môi trường bao gồm những gì”. Vậy môi trường gồm những thành phần nào? Hãy cùng moitruonghopnhat.com tham khảo qua nội dung này qua bài viết bên dưới nhé.
1. Môi trường bao gồm những gì?
Theo Khoản 1, Điều 3, Luật BVMT 2020, môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên.
Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường gồm đất, nước, không khí, sinh vật, âm thanh, ánh sáng và các hình thái vật chất khác. (Khoản 3, Điều 3, Luật BVMT 2020).
Như vậy có thể hiểu môi trường là tất cả những gì có xung quanh chúng ta, là cơ sở để chúng ta sinh sống và phát triển.
2. Phân loại môi trường
Môi trường được chia ra thành nhiều loại như môi trường tự nhiên, môi trường nhân tạo và môi trường xã hội. Dưới đây là thông tin cơ bản về các loại môi trường:
2.1. Môi trường tự nhiên
- Môi trường đất: Bao gồm đất, cát, sỏi, đá.
- Môi trường không khí (môi trường khí quyển): Bầu không khí trên trái đất.
- Môi trường nước (môi trường thủy quyển): gồm nước mặn, nước ngọt, nước lợ.
- Môi trường sinh vật (môi trường sinh quyển): gồm động, thực vật và con người,…
2.2. Môi trường nhân tạo
Gồm tất cả các nhân tố do con người tạo nên, làm thành tiện nghi của cuộc sống như: nhà ở, công sở, khu vực đô thị, công viên, máy bay, ô tô, v.v….
2.3. Môi trường xã hội
Môi trường xã hội là môi trường định hướng các hoạt động của con người theo một khuôn khổ nhất định; bao gồm tổng thể các mối quan hệ giữa con người với con người như thể chế, luật lệ, ước định, cam kết, quy định, v.v… tạo nên sức mạnh tập thể.
3. Chức năng của môi trường
Môi trường có nhiều chức năng, một số chức năng cơ bản đóng vai trò quan trọng có thể kể đến như sau:
3.1. Là không gian sinh sống của con người và động, thực vật
Môi trường là nơi tạo ra không gian sinh sống, làm việc của con người (nhà ở, công trình, nơi sản xuất, nhà xưởng, công ty, nhà máy, xí nghiệp, v.v…) và động, thực vật (rừng, đồng ruộng, sông suối, v.v…).
3.2. Cung cấp tài nguyên, khoáng sản cho các hoạt động của con người
- Cung cấp khoáng sản như than đá, dầu mỏ, quặng, v.v… phục vụ cho hoạt động sản xuất của con người.
- Cung cấp hệ sinh thái đa dạng như dược liệu, thảm thực vật, cây gỗ quý.
- Cung cấp nước, dinh dưỡng tạo ra nơi sinh sống của các loài thủy hải sản.
- Tạo nguồn thực phẩm từ động, thực vật và những gốc gen quý hiếm.
- Duy trì sự sống và quá trình trao đổi chất nhờ vào các yếu tố như không khí, gió, nước.
3.3. Chứa đựng chất thải của con người tạo ra
Con người đào thải ra nhiều chất thải vào môi trường trong suốt quá trình sản xuất và sinh hoạt. Dưới tác động của vi sinh vật và các yếu tố môi trường, các chất thải sẽ bị phân hủy, chuyển từ chất phức tạp thành chất đơn giản.
- Biến đổi sinh học: Nitrat hóa, mùn hóa, khoáng hóa các chất thải hữu cơ.
- Biến đổi hóa – lý: Phân hủy hóa học nhờ vào ánh sáng (ánh sáng sẽ hấp thụ và tách chiết chất thải và độc tố)
- Biến đổi sinh hóa: Hấp thụ các chất dư thừa, khử chất độc bằng quá trình sinh hóa.
3.4. Cung cấp và lưu trữ thông tin của con người trong suốt quá trình phát triển
Con người có lịch sử tiến hóa hàng trăm năm và môi trường chính là nơi lưu trữ lại lịch sử của trái đất, ghi dấu lại những vẻ đẹp, cảnh quan thẩm mỹ, hệ sinh thái của trái đất.
3.5. Bảo vệ con người từ tác động bên ngoài
Ngoài những chức năng trên, môi trường còn giúp bảo vệ con người và động thực vật từ những tác động bên ngoài như khi bị tia cực tím, tia sáng có hại chiếu xuống thì tầng ozone sẽ ngăn chặn lại.
4. Bảo vệ môi trường tự nhiên bằng cách nào?
Môi trường giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với con người và động thực vật. Và chung tay bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội. Các quốc gia trên thế giới đều có chính sách để bảo vệ môi trường. Ở nước ta, bảo vệ môi trường là một trong những mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Đứng trước nguy cơ ô nhiễm và suy thoái môi trường nặng nề, nước ta đã xây dựng hệ thống pháp luật nhằm góp phần ngăn chặn các hoạt động xâm hại môi trường.
Theo Khoản 2, Điều 3, Luật BVMT 2020 quy định hoạt động bảo vệ môi trường là “hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Trên đây là các thông tin do Công ty môi trường Hợp Nhất tổng hợp và chia sẻ, hy vọng quý bạn đọc đã rõ hơn về khái niệm “Môi trường bao gồm những gì?”. Hợp Nhất rất hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp từ Quý bạn đọc để nội dung được hoàn thiện tốt hơn.
Bài viết khác về môi trường bạn có thể tham khảo thêm: