Lưới lọc bụi trong hệ thống xử lý khí thải
Đã kiểm duyệt nội dung
Trong các quy trình và khâu thiết kế hệ thống xử lý khí thải chuẩn, lọc bụi là một trong những giai đoạn đầu tiên với chức năng hạn chế tối đa các phần tử chất rắn hữu cơ cho các giai đoạn xử lý tiếp theo. Đây cũng là giai đoạn then chốt có vai trò quyết định đến hiệu quả của hệ thống xử lý khí thải.
Hai giai đoạn của quá trình lọc trong lưới lọc bụi
Các đặc tính quan trọng của lưới lọc bụi là: hiệu quả lọc, sức cản khí động, thời gian của chu kì hoạt động trước khi thay mới hoặc hoàn nguyên.
- Trong giai đoạn đầu xảy ra quá trình giữ bụi trong lớp lưới sạch, trong lúc đó xem rằng sự thay đổi cấu trúc của lưới lọc do bụi bám và do các nguyên nhân khác là không đáng kể. Giai đoạn này gọi là giai đoạn ổn định, hiệu quả lọc và sức cản khí động của lưới lọc trong giai đoạn này được xem như không thay đổi theo thời gian. Giai đoạn này thường rất ngắn ngủi.
- Giai đoạn hai của quá trình lọc được gọi là giai đoạn không ổn định do sự thay đổi cấu trúc của lớp lưới lọc bởi nhiều hạt bụi bị giữ lại trong đó, ảnh hưởng của độ ẩm hoặc bởi các nguyên nhân khác làm cho sức cản khí động và hiệu quả lọc của lưới lọc thay đổi rõ rệt.
Với lưới lọc bụi thì các hạt có đường kính từ 0.1 ÷0.5µm lọt qua lưới nhiều nhất, còn các hạt có kích thước lớn hơn hoặc nhỏ hơn lại bị giữ lại. Quá trình giữ bụi trong lưới lọc diễn ra trên cơ sở những hiện tượng sau đây: Khi dòng khí mang bụi đi qua lưới lọc, các hạt bụi tiếp cận với các sợi của vật liệu lọc và tại đó xảy ra các tác động tương hỗ giữa hạt bụi và vật liệu lọc. Các tác động tương hỗ này phụ thuộc vào kích thước, vận tốc của hạt, loại vật liệu lọc cũng như sự có mặt của lực tĩnh điện, lực trọng trường…
Các dạng chính của tác động tương hỗ giữa hạt bụi và vật liệu lọc là: va đập quán tính, thu bắt do tiếp xúc và khuếch tán.
Yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả lọc của lưới lọc bụi
Trong xử lý môi trường nói chung và xử lý khí thải nói riêng, lưới lọc bụi hoạt động có hiệu quả hay không đều phụ thuộc vào một số yếu tố sau:
Ảnh hưởng của kích thước hạt bụi
Quá trình thu giữ trong lưới lọc phụ thuộc rất nhiều vào kích thước hạt bụi. Đối với hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 0.3µm thì hiện tượng khuếch tán đóng vai trò chủ yếu, còn bụi có kích thước lớn hơn thì hiện tượng tiếp xúc và va đập quán tính mới bắt đầu phát huy tác dụng.
Ảnh hưởng của vận tốc khí đi qua lưới lọc
Vận tốc lọc có ảnh hưởng trái ngược nhau đối với quá trình thu giữ bụi và do khuếch tán và do va đập quán tính.
Ảnh hưởng của đường kính sợi vật liệu lọc
Đường kính của sợi vật liệu lọc cũng có ảnh hưởng quyết định đối với quá trình thu giữ bụi do tất cả các tác động gây ra. Ví dụ, hệ số lọt lưới đối với bụi có δ=0.65µm qua lưới lọc có cỡ sợi D=1µm nhỏ hơn 2000 lần so với lưới lọc có cỡ sợi D=50µm. Vì vậy để chế tạo lưới lọc có hiệu quả cao người ta cố gắng sử dụng loại vật liệu sợi nhỏ nhất có thể có với độ bền cho phép.
Ảnh hưởng của độ lèn chặt (độ rỗng) của lưới lọc
Khi độ lèn chặt của vật liệu sợi trong lưới lọc tăng thì hiệu quả thu giữ bụi do các tác động va đập quán tính, va chạm tiếp xúc tăng cao đáng kể, trong khi đó hiệu quả do khuếch tán chỉ thay đổi ít.
Trên đây là những chia sẻ của công ty môi trường Hợp Nhất về lưới lọc bụi trong xử lý khí thải, hy vọng bạn đọc và Quý khách hàng có thể có thêm những thông tin hữu ích và phần nào đó cải thiện - nâng cấp hệ thống của mình để cùng chung tay xây dựng một môi trường xanh theo định hướng của xã hội.