Ngành GTVT đang gây ô nhiễm không khí
Đã kiểm duyệt nội dung
Môi trường không khí tại Việt Nam trong những năm gần đây đang có dấu hiệu suy thoái, tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn bởi tình trạng lưu lượng khí thải từ các hoạt động sản xuất, phương tiện giao thông có xu hướng tăng trong khi công tác xử lý môi trường chưa mang lại hiệu quả.
Sự phát triển của công nghiệp hóa trong vài năm gần đây khiến các hoạt động sản xuất diễn ra có cường độ dày hơn trước kéo theo hệ lụy về lượng khí thải tăng dần.
Phương tiện giao thông - Nguồn phát thải gây ô nhiễm
Theo các con số thống kê từ IEA – Cơ quan năng lượng quốc tế thì lượng khí thải CO2 phát sinh từ các phương tiện giao thông chiếm 24.34%. Nếu chỉ tính riêng ngành giao thông vận tải thì mỗi năm xe bus chiếm 6%, ô tô tải chiếm 27% và ô tô hạng nhẹ chiếm 44% tổng lượng khí thải CO2 phát sinh trong ngành.
Khí thải phát sinh từ ngành giao thông vận tải được xả thẳng ra môi trường với nhiều chất độc hại như: SO2, CO, NO2, bụi PM10 – PM2.5 – TSP. Đây là những chất phát sinh trong quá trình đốt cháy một số nhiên liệu: dầu, xăng,…trong hệ thống động cơ của các loại xe.
Tại Việt Nam, hiện nay có khoảng 45 triệu xe máy và 3.553.700 xe ô tô đang được lưu hành và sử dụng trên 63 tình thành. Tại Hà Nội có khoảng 6 triệu xe máy; HCM có 8 triệu xe máy được cấp giấy phép lưu hành (chưa tính các phương tiện giao thông di chuyển từ các tỉnh khác đến).
Trong số các loại xe đang được lưu hành nay, không ít xe được sử dụng lâu năm khiến khí thải phát sinh có nồng độ chất độc và bụi cao. Và với mật độ tham gia giao thông rất cao tại Hà Nội và TP. HCM thì đây chắc chắn là một trong những nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Khí thải từ các phương tiện giao thông này kết hợp với khí thải công nghiệp phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí ở nước ta ngày càng có diễn biến phức tạp, tạo nhiều thách thức cho công tác xử lý khí thải.
Thực tế cũng cho thấy rằng trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến 2019 bụi mịn PM2.5 đang có xu hướng tăng so với giai đoạn từ 2010 – 2017. Đặc biệt là 4 tháng cuối năm 2019 nồng độ bụi mịn tăng mạnh, có những thời điểm Hà Nội và thành phố HCM liên tục lọt top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Ô nhiễm không khí đạt ngưỡng nguy hại với tất cả mọi người.
Trong thời gian thực hiện lệnh cách ly toàn xã hội thì chất lượng không khí được cải thiện, tất cả các điểm quan trắc đều cho chỉ số chất lượng không khí ở ngưỡng tốt – trung bình. Đây là một minh chứng cụ thể và rõ ràng nhất về tác động của các nguồn phát thải như: phương tiện giao thông và các hoạt động sản xuất,…đến môi trường không khí.