Nghiệm Thu Hệ Thống Xử Lý Nước Thải Là Gì?
Đã kiểm duyệt nội dung
Nghiệm thu hệ thống xử lý nước thải là điều bắt buộc đối với tất cả dự án có xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Đây là bước quan trọng được thực hiện sau khi hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải. Vậy có những công việc cụ thể nào khi nghiệm thu hệ thống xử lý nước thải, mời các bạn cùng Môi trường Hợp Nhất tìm hiểu qua nội dung bên dưới.
1. Vì sao cần nghiệm thu hệ thống xử lý nước thải?
Ngoài việc tuân thủ theo quy định của Nhà nước, việc thực hiện đầy đủ hồ sơ nghiệm thu hệ thống xử lý nước thải còn đảm bảo hệ thống đạt chất lượng.
Toàn bộ các hạng mục trong công trình xử lý nước thải sau khi xây dựng xong phải thu dọn sạch sẽ tại các khu vực bên trong và bên ngoài của từng hạng mục và vệ sinh tổng thể khu vực nhà máy xử lý,…sau đó tiến hành nghiệm thu công trình.
Để nghiệm thu công trình thường phải thành lập hội đồng nghiệm thu, trong đó có đại diện tất cả các cơ quan có liên quan đến công trình từ đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu xử lý nước thải xây dựng lắp đặt, đơn vị giám sát, chủ đầu tư cấp vốn, đơn vị tiếp nhận sử dụng công trình, đơn vị đánh giá chất lượng nước thải sau xử lý, đại diện của Sở tài nguyên & môi trường của địa phương,…
2. Nội dung và các bước nghiệm thu
Nội dung nghiệm thu bao gồm:
- Kiểm tra công trình có được xây dựng theo đúng với thiết kế đã được duyệt không.
- Kiểm tra số lượng và quy cách lắp đặt các thiết bị, kể cả dự trữ.
- Kiểm tra chất lượng nước sau khi xử lý.
2.1. Nghiệm thu xây dựng
Chủ yếu là kiểm tra việc xây dựng hồ, bể và lắp đặt thiết bị trong công nghệ có đúng thiết kế đúng hướng dẫn kỹ thuật lắp đặt của nhà sản xuất thiết bị, động cơ,… Đối với các cống ngầm và các công trình ngầm, các hạng mục chôn ngầm trong đất, lắp ngầm trong bê tông khác phải có thông tin trong nhật ký công trình, đủ biên bản ghi nhận và chứng từ của mỗi giai đoạn thi công để thông qua tiểu ban nghiệm thu.
2.2. Nghiệm thu thiết bị lắp đặt
Kiểm tra rò rỉ và kiểm tra thủy lực, khí động lực: Kiểm tra chất lượng thi công dùng nước sạch để kiểm tra rò rỉ của từng công trình. Đầu tiên tiến hành thủ độ kín khít của công trình xây dựng, kiểm tra sự đóng kín của các van. Sau đó kiểm tra thủy lực vận chuyển nước qua lại trong các công trình, kiểm tra các thông số thủy lực bể xử lý và công trình phân phối nước, sự làm việc của các van, phao chắn nước cũng như từng bộ phận của thiết bị, vị trí tương quan về cao độ giữa các công trình, độ dốc có đảm bảo để nước tự chảy không.
2.3. Nghiệm thu điều khiển
Kiểm tra chế độ điều khiển công nghệ: Thủ công, tự động, bán tự động và kiểm tra chế độ hoạt động của thiết bị giám sát chất lượng nước xử lý.
2.4. Nghiệm thu kỹ thuật xử lý nước thải
Tiến hành thu mẫu nước thải sau xử lý tại hạng mục cuối cùng của công nghệ xử lý, niêm phong mẫu thu, lập biên bản thu mẫu có sự chứng kiến của các bên liên quan, bảo quản mẫu thử và chuyển về phòng thí nghiệm chuyên môn để phân tích các chỉ tiêu mà quy chuẩn xả thải quy định.
Tìm hiểu thêm: 13 chỉ tiêu quan trọng của nước thải
3. Vận hành thử nghiệm trước khi đưa vào sử dụng
Sau khi kiểm tra nghiệm thu công trình xây dựng và trước khi nghiệm thu kỹ thuật xử lý nước thải sẽ tiến hành đưa công trình xây dựng vào hoạt động. Chỉ sau khi kiểm tra nghiệm thu và xây dựng, lắp đặt xong thì thì dẫn nước thải vào công trình xử lý để vận hành thử nghiệm. Giai đoạn này còn gọi là vận hành thử nghiệm hay còn gọi là vận hành khởi động nhằm xác định các thông số vận hành tối ưu về kỹ thuật và kinh tế. Giai đoạn vận hành khởi động hoàn tất sẽ tiến hành vận hành ổn định nhằm duy trì sự hoạt động ổn định của công nghệ xử lý.
Khi cho nước sạch vào kiểm tra rò rỉ và kiểm tra thủy lực cần lưu ý cho nước vào đều các bể với mực nước dâng lên từ từ trong các bể, không nên cho nước vào đầy bể này rồi tràn qua bể khác để tránh hiện tượng bung thành bể, khi kiểm tra xong không nên xả kiệt nước ra khỏi công trình mà nên để lại một ít nước sạch rồi dẫn nước thải vào.
Các hình thức vận hành:
- Vận hành kiểm tra chất lượng xây dựng – lắp đặt.
- Vận hành khởi động từ thấp tải đến đủ tải yêu cầu.
- Vận hành duy trì xử lý ổn định và chuyển giao công nghệ.
Để đưa các công trình vào hoạt động, cần có các hồ sơ kỹ thuật sau đây:
3.1. Các văn bản nghiệm thu công trình
Hồ sơ hoàn công: Bản vẽ xây dựng, báo cáo thuyết minh, hồ sơ kỹ thuật của thiết bị lắp đặt trong công nghệ, hướng dẫn vận hành và bảo trì công nghệ xử lý, quyết toán công trình, các tài liệu hướng dẫn lắp đặt và sử dụng các thiết bị, công trình xử lý nước thải,…;
3.2. Giấy phép xả thải của cơ quan quản lý nguồn nước
Tùy theo tính chất và quy mô công trình xử lý nước thải mà quy định thời gian đưa công trình vào hoạt động, thời gian khởi động. Thời gian vận hành đến giai đoạn ổn định phụ thuộc vào tính chất nước thải, loại quá trình công nghệ, loại kỹ thuật công nghệ và điều kiện tự nhiên môi trường tự nhiên khu vực. Công nghệ này cần các chuyên gia có kinh nghiệm theo dõi và tiến hành hiệu chỉnh.
Trong thời gian đưa công trình vào hoạt động, cần tiến hành nghiên cứu, phân tích nước thải để xác định được là công trình đó có đảm bảo hiệu quả xử lý theo yêu cầu không. Các số liệu thu nhận được trong giai đoạn này được bổ sung vào quy trình vận hành công trình xử lý nước thải. Nước thải được đưa về công trình trong giai đoạn vận hành khởi động phải có lưu lượng và nồng độ thấp hơn giá trị thiết kế.
Hiệu quả và thời gian của giai đoạn khởi động chủ yếu phụ thuộc vào chuyên môn và ý thức trách nhiệm của công nhân vận hành. Người trực tiếp trực tiếp quản lý công trình xử lý nước thải phải nắm được các quá trình cơ bản diễn ra của công trình đó. Điều kiện quản lý vận hành các công trình xử lý nước thải rất nghiêm ngặt, vì vậy đòi hỏi người vận hành phải có tinh thần trách nhiệm đối với công việc của mình.
Trong suốt giai đoạn đưa công trình vào hoạt động phải tiến hành kiểm tra và điều chỉnh chế độ làm việc của từng công trình. Lúc đầu khi điều chỉnh đối với đa số các công trình thường dùng nước sạch để đảm bảo các điều kiện vệ sinh khi cần sửa chữa lại.
Thời gian đưa các công trình xử lý nước thải vào vận hành khởi động:
Tên công trình |
Thời gian khởi động |
Yêu cầu quản lý vận hành trong thời gian khởi động |
Bể tự hoại |
Lắng cặn: Sau 1 – 3 ngày Lên men cặn lắng: Sau 3 tháng |
Đưa lượng cặn đã lên men bằng khoảng 15 – 20% dung tích phần chứa cặn để gây men. |
Bể lắng hai vỏ |
Lắng cặn: Sau 3 – 5 ngày Lên men cặn lắng: Sau 3 tháng |
Đưa lượng cặn đã lên men bằng khoảng 15 – 20% dung tích phần chứa cặn để gây men. |
Bể lọc kỵ khí |
Từ 2 – 3 tháng |
Lưu lượng nước thải cấp cho bể trong thời gian khởi động tăng dần từ 25 – 100% lưu lượng thiết kế. |
Bể lọc sinh học |
Từ 2 – 3 tháng cho đến khi xuất hiện nitrat trong nước thải sau xử lý. |
Tăng dần lưu lượng nước thải từ 10 đến 25% lưu lượng thiết kế. Thời gian 1 chu kỳ từ 5 – 6 phút. |
Bể Aerotank |
Từ 1 – 2 tháng cho đến khi chỉ số bùn đó trung đó Imhoff là 200 – 300 ml/l (nếu có bùn hoạt tính từ nơi khác đưa về thì thời gian này giảm xuống còn từ 2 tuần đến 1 tháng) |
Cho bùn hoạt tính lây từ nơi khác để sục khí với khoảng 30% lưu lượng nước thải trong thời gian đầu. Sau đó tăng dần công suất cấp nước thải cho đến khi chỉ số bùn là 200 – 300ml.l. |
Hồ sinh học |
Từ 2 – 3 tháng sau khi hoàn thành hệ sinh vật trong hồ. |
Giai đoạn đầu có thể bơm nước sông và đáy hồ, sau đó xả nước thải dần vào hồ. |
Bãi lọc ngập nước |
Từ 2 – 3 tháng sau khi cây phát triển phía trên bề mặt. |
Có thể bổ sung thêm phân bón hóa học cho thực vật trong bãi lọc ngập ở giai đoạn đầu. |
- Đối với song chắn rác, bể lắng cát, sân phơi bùn thì thời gian đưa vào hoạt động tương đối ngắn. Trong thời gian đó tiến hành chỉnh và cho các thiết bị cơ khí, van khóa và thiết bị đo lường, phân phối đi vào hoạt động.
- Với bể aerotank:
- Giai đoạn đưa vào hoạt động là giai đoạn tích lũy lượng bùn hoạt tính cần thiết để làm việc bình thường.
- Bùn hoạt tính có thể tạo ra từ bản thân nước thải. Muốn vậy nước sau khi đã lắng trong ở các bể lắng đợt I sẽ đưa vào bể aerotank. Ở đó cho thổi khí và cho nước vào với lưu lượng không quá một nửa lưu lượng tính toán. Sau đó bùn được thu ở bể lắng đợt II và bơm trở lại bể aerotank rồi tạm dừng không cho nước chảy vào bể nữa, đồng thời liên tục thổi khí vào bùn cho tới khi không còn thấy ni tơ của muối amoni nữa, mà lại thấy xuất hiện nitrat (nếu bể phải xử lý tới giai đoạn nitrat hóa) và tích lũy oxy hòa tan.
- Ngoài ra còn phải quan sát xem quá trình lắng bông bùn hoạt tính có diễn ra nhanh hay không. Tiếp theo lại tiếp tục cho nước thải vào bể với tải trọng bùn tăng dần cho đến khi đạt giá trị tính toán. Nếu nhà máy xử lý nước thải đã có bể aerotank cũ hoặc bể aerotank đã hoạt động bình thường thì chỉ việc bơm bùn hoạt tính dư vào bể mới.
4. Hồ sơ xin nghiệm thu hệ thống xử lý nước thải
Hồ sơ xin nghiệm thu công trình xử lý nước thải bao gồm: Công văn xin nghiệm thu hệ thống xử lý nước thải (theo mẫu có sẵn), thuyết minh quy trình công nghệ xử lý nước thải, lưu lượng nước thải, bản vẽ hoàn công, bản vẽ mặt bằng thoát nước mưa, thu gom nước thải, kết quả phân tích chất lượng nước thải trước và sau khi xử lý, các hồ sơ môi trường liên quan khác.
Do đó giai đoạn đưa công trình vào hoạt động còn gọi là giai đoạn chín muồi và là giai đoạn quyết định nên đòi hỏi phải lưu ý và hằng ngày phải kiểm tra hiệu quả làm việc của công trình.
Trên đây là một số thông tin về nghiệm thu hệ thống xử lý nước thải. Quy trình nghiệm thu cần được thực hiện nghiêm túc và chính xác bởi đây là hồ sơ quan trọng trong quá trình xây dựng vận hành hệ thống.
Công ty môi trường Hợp Nhất là đơn vị chuyên xây dựng hệ thống xử lý nước thải và thực hiện các loại hồ sơ môi trường cho doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp có nhu cầu tư vấn, tham khảo thông tin chi tiết hơn về các dịch vụ của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ Hotline: 0938.857.768