Nước Lợ Là Gì? Độ Mặn Của Nước Lợ Là Bao Nhiêu?
Đã kiểm duyệt nội dung
Nước lợ là gì? Độ mặn của nước lợ là bao nhiêu? Trong nội dung dưới đây, mời các bạn cùng Môi trường Hợp Nhất tìm hiểu thông tin chi tiết về nước lợ.
1. Nước lợ là gì?
Nước lợ là loại nước có độ mặn cao hơn độ mặn của nước ngọt nhưng thấp hơn nước mặn. Nước lợ chứa một lượng các muối hòa tan là natri chloride.
Mặc dù nước lợ có những tác hại nhất định nhưng nước lợ cũng là một nguồn tài nguyên quốc gia vì nó mang lại lợi ích kinh tế, đặc biệt là có nhiều loại thủy sản tiềm năng có thể đưa vào nuôi ở vùng nước lợ. Nước lợ cũng là nền tảng cho các hệ sinh thái ven biển như rừng ngập mặn, tạo cảnh quan phát triển các khu du lịch sinh thái nước lợ.
2. Độ mặn của nước lợ là bao nhiêu?
Nước lợ thường có nồng độ các loại muối hay còn gọi là độ mặn từ 1-30 ‰.
Bảng so sánh độ mặn của một số loại nước trong tự nhiên
Loại nước |
Nước ngọt |
Nước lợ (nước nhiễm mặn) |
Nước mặn |
Nước muối |
Nồng độ muối |
<0.5ppt (nhỏ hơn 0.05%) |
0.5 đến 30ppt (từ 0.05% đến 3%) |
30 đến 50 ppt (3% đến 5%) |
>5ppt (lớn hơn 5%) |
*** Độ mặn của nước lợ có thể dao động tùy vào vị trí và thời điểm khác nhau trong năm.
3. Nước lợ hình thành như thế nào?
Nước lợ được hình thành ở các khu vực của sông, nơi có sự chuyển đổi từ nước ngọt sang nước mặn hoặc các tầng nước ngầm ở ven biển hoặc hình thành từ quá trình bồi đắp như xây đê chắn sóng, ngăn mặn của người dân ở vùng ven biển.
Ngoài ra, nước lợ cũng được hình thành từ các nguồn khác nhau như do các khoáng chất tự nhiên trong đá chảy vào ao, hồ, sông, suối; từ các suối nước muối tự nhiên chảy vào ao, hồ, sông, suối.
Tại nhiều khu vực, con người tạo ra nước lợ một cách có chủ đích để nuôi tôm hoặc xây dựng các con đê có vai trò như những bức tường để kiểm soát dòng chảy của nước từ sông và biển.
4. Phương pháp xử lý nước lợ
Nước lợ có vị mặn nên không thích hợp để uống trực tiếp hoặc dùng dùng là nguồn nước cấp cho các hoạt động sinh hoạt, sản xuất và tưới tiêu. Tuy nhiên trước tình trạng khan hiếm nguồn nước ngọt như hiện nay, nhiều nơi đã nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp để biến nguồn nước lợ thành nước ngọt, đáp ứng tiêu chuẩn dùng trong sinh hoạt, ăn uống.
Nước lợ thường được xử lý bằng cách khử muối. Đây là một quá trình loại bỏ muối khoáng hòa tan khỏi nước lợ và chuyển nó thành nước ngọt.
Hiện nay có nhiều phương pháp xử lý nước lợ như công nghệ thẩm thấu ngược (RO), công nghệ màng (NF), phương pháp trao đổi ion, phương pháp chưng cất nhiệt, công nghệ điện thẩm tách – ED. Trong đó thẩm thấu ngược và chưng cất là những công nghệ khử muối phổ biến được sử dụng để xử lý nước lợ.

Quy trình xử lý nước nhiễm lợ:
Nước thô > Tiền xử lý > Làm nước trong > Khử muối, khử trùng > Nước sinh hoạt
Thuyết minh quy trình
- Nước thô: là nước chưa qua lọc, tinh chế hay xử lý được dẫn vào hệ thống xử lý nước lợ.
- Tiền xử lý: Bao gồm các bước chắn rác loại bỏ các vật thể lớn trong nước nguồn, clo hóa sơ bộ để oxy hóa các chất hữu cơ, lắng có kết hợp hoặc không kết hợp với keo tụ để giảm độ đục (hàm lượng chất rắn lơ lửng) của nước trước khi đưa đi làm trong. Tùy thuộc vào các thông số cơ bản của chất lượng nước nguồn như pH, độ oxy hóa (COD theo KMnO4), TSS, độ màu… mà lựa chọn các công trình làm sạch nước cho hợp lý.
- Làm nước trong: Các công trình ở đây thường là bể lọc cát và thiết bị màng siêu lọc (UF). Thiết bị UF đóng vai trò loại bỏ các ion hóa trị cao, vi sinh vật, chất rắn lơ lửng còn lại trong nước, tránh được các hiện tượng tắc màng lọc cũng như tăng cường khả năng thu hồi nước sản phẩm cho các thiết bị khử muối bằng màng thẩm thấu ngược (RO) hoặc màng lọc nano (NF) phía sau. Nước sau quá trình này có thể sử dụng làm nước sinh hoạt, trừ ăn uống trực tiếp.
- Khử muối, khử trùng: Được xem là bước quan trọng nhất của cả quy trình, khử muối công nghệ thẩm thấu ngược (RO) hoặc thu hồi nước ngọt bằng chưng cất. Trong đó nếu sử dụng công nghệ thẩm thấu ngược RO thì yêu cầu nồng độ muối không vượt quá 250mg/l thì cần áp suất trên màng là 60 -100atm. Bên cạnh đó, cần lưu ý các vấn đề như sử dụng loại vật liệu chịu được áp suất cao và đầu tư bơm tạo áp suất cao, chú ý công tác bảo trì màng định kỳ để tránh tình trạng màng bị tắc nghẽn.
- Nước sinh hoạt: Sau quá trình xử lý, nước có thể được lưu trữ và cung cấp cho các mục đích sinh hoạt.

Việc thiết kế công nghệ xử lý nước lợ ở mỗi nơi sẽ được tiến hành sau khi phân tích đầy đủ các yếu tố như: đặc điểm, vị trí nguồn nước, nồng độ muối trong nước, mục đích sau khi xử lý, yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng sau xử lý, lưu lượng nước cần xử lý, diện tích lắp đặt hệ thống, chi phí đầu tư,….
Trên đây là một số thông tin về nước lợ. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và thiếu nguồn nước ngọt như hiện nay thì việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ để thích thích ứng với đặc điểm nguồn nước và ứng dụng các giải pháp khử muối nước được xem là giải pháp lâu dài.