Ô nhiễm nguồn nước từ phương tiện đường thủy
Đã kiểm duyệt nội dung
Các loại nước thải tứ phương tiện đường thủy xả thẳng ra sông
Theo điều tra thực tế, thực trạng ô nhiễm nước tại các cảng biển chủ yếu bắt nguồn từ chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt, dầu mỡ hoặc khí thải từ các phương tiện tàu thuyền thường rất khó kiểm soát nên chúng gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Hầu hết các phương tiện thủy chưa có kế hoạch hoặc biện pháp xử lý nước thải sinh hoạt nên nguồn nước này thường xả thẳng ra sông ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng môi trường.
Các phương tiện tàu thủy thường không lắp đặt hệ thống xử lý nước thải hoặc có thì cũng là những thiết bị đơn giản không đảm bảo tiêu chuẩn xử lý nguồn nước đạt chuẩn. Nước thải từ quá trình sinh hoạt, nước thải từ khu vực vệ sinh, nhà bếp,… làm phát tán nhiều chất bẩn ô nhiễm và dịch bệnh ra sông, kênh rạch.
Chưa kể đến lượng CTR như rác thải, giẻ lau, rác thải sinh hoạt như thức ăn thừa, vỏ chai, túi nilon, thùng xốp,… vứt tràn lan mà chưa được thu gom xử lý làm mất thẩm mỹ cảnh quan môi trường.
Dầu mỡ từ động cơ máy của các phương tiện thủy
Dầu rỉ rác hoặc các sự cố tràn dầu cũng đóng góp không nhỏ đến sự cố ô nhiễm môi trường. Ước tính chỉ cần nồng độ 0,1 mg/l dầu có thể gây chết các loài sinh vật phù du, hệ sinh thái cùng các loài động vật sinh sống dưới biển.
Tình trạng dầu rò rỉ từ động cơ xuống khoang nước đáy tàu diễn ra thường xuyên. Đa phần các phương tiện tàu thuyền còn sử dụng động cơ cũ nên lượng dầu phát tán ra ngoài ngày càng nhiều. Khi dầu tiếp xúc với môi trường nước sẽ gây ra hiên tượng nhũ tương hình thành các hạt keo dầu nước hoặc keo nước dầu làm suy giảm chất lượng nước mặt.
Một số vướng mắc trong việc BVMT đường thủy
Quá trình xả thải từ nước thải đến chất thải rắn đều bắt nguồn từ tập quán sinh sống thường ngày của các thuyền viên vì ý thức BVMT chưa cao. Ngoài ra, quy chuẩn quốc gia về việc ngăn ngừa ô nhiễm do phương tiện đường thủy gây ra thiếu chặt chẽ và chưa hoàn thiện quy định trong việc thu gom, lưu giữ CTR nguy hại, chất thải từ bể phốt hoặc việc chuyển giao chất thải từ phương tiện đến các đơn vị có chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, quy định ngăn ngừa ô nhiễm từ các phương tiện đường thủy theo tiêu chuẩn QCVN 17/2011/BGTVT còn gặp nhiều vướng mắc khó giải quyết. Trong đó, các trạm xử lý tập trung có trách nhiệm thu gom nước đáy tàu đối với động cơ công suất 220 kw phải đưa lên bờ tiến hành xử lý.
Tuy nhiên, hiện nay nước ta vẫn chưa có trạm xử lý nước thải nhiễm dầu tập trung tại các cảng; còn nếu có trạm xử lý thì tàu thuyền phải mất nhiều thời gian trong việc bơm nước xử lý nước đáy tàu.
Đồng thời Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa ban hành các văn bản, quy phạm, quy định liên quan đến ngăn ngừa ô nhiễm do dầu phát sinh nước đáy thuyền đối với các tàu thuyền đánh cá.
Hoàn thiện các giải pháp về BVMT giao thông đường thủy
Trước tình trạng ô nhiễm gần đây, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam ra chỉ thị đối với các phương tiện có trọng tải lớn phải được trang bị thiết bị thu gom, lưu trữ chất thải ra môi trường.
Vừa qua Cục Hàng hải Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải tổ chức hội thảo về đề án “Phát triển cảng xanh tại Việt Nam”. Đề án này cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và khuyến khích cần ứng dụng phát triển cảng biển theo hướng “cảng xanh” thân thiện với môi trường. Việc phát triển cảng biển theo hướng “xanh hóa” góp phần hạn chế mức độ ô nhiễm mà các hoạt động vận tải tàu biển, chất thải từ cảng biển gây ra.
Cảng xanh hay cảng sinh thái là mô hình phát triển không chỉ đáp ứng tiêu chí môi trường mà còn làm tăng lợi nhuận kinh tế của cảng biển. Thông qua đó, quá trình quy hoạch cùng với sự phát triển, cải tiến công nghệ theo hướng công nghệ tiết kiệm năng lượng vừa gắn kết BVMT và phát triển kinh tế bền vững hơn cũng được đổi mới.
Đối với các cảng biển, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền phải trang bị thiết bị phù hợp với quy mô hoạt động. Đồng thời để hạn chế ô nhiễm các chủ tàu thuyền phải trang bị thiết bị chứa dầu cặn, nước thải, rác thải, CTNH và phải được vận chuyển và xử lý định kỳ.
Hoặc các cảng biển kinh doanh sản phẩm dầu và hóa chất độc hại, nguy hiểm phải có phương án phòng chống và ứng phó với sự cố. Trong trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu, tràn chất độc hại ra môi trường thì chủ tàu có trách nhiệm thông báo ngay cơ quan có thẩm quyền để tìm biện pháp xử lý môi trường và kịp thời ngăn chặn sự lan truyền, phát tán của dầu cùng nhiều chất độc hại khác.