Sự cần thiết của xử lý nước thải chợ
Đã kiểm duyệt nội dung
Chợ là nơi giao thương, buôn bán nhộn nhịp với mặt hàng kinh doanh đa dạng, từ thực phẩm tươi sống đến đồ gia dụng, trang sức. Từ thành thị đến nông thôn, nơi nào có người dân sinh sống là nơi ấy có nhu cầu trao đổi hàng hóa và chợ búa mọc lên với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Mỗi ngày, với khối lượng hàng hóa từ nhiều nơi đổ về, ngoài lượng rác thải rắn, nước thải phát sinh từ các khu chợ cũng tạo sức ép, gánh nặng đối với môi trường. Cũng như các lĩnh vực khác, xử lý nước thải chợ cần được tối ưu triệt để để tránh gây ô nhiễm môi trường.
1. Thực trạng ô nhiễm tại các chợ
Theo số liệu thống kê từ Dự thảo báo cáo Tổng hợp Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ toàn quốc (năm 2013) cho thấy nước ta có 8.583 chợ trong đó với 29 chợ đầu mối. Thực tế, con số này lớn hơn nhiều bởi có rất nhiều chợ tự phát được hình thành.
Thực trạng mất vệ sinh, gây ách tắc giao thông, xả rác thải bừa bãi là vấn nạn nghiêm trọng tại nhiều khu chợ hiện nay, nhất là tại các chợ cóc tự phát. Chợ tự phát với quy mô nhỏ lẻ, không nằm trong quy hoạch và không có hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, rác thải không được xử lý.
Còn tại các khu chợ truyền thống cơ sở hạ tầng không đồng bộ, hệ thống thoát nước đã xây dựng lâu đời, đến nay đã cũ và xuống cấp, không được nâng cấp, cải tạo. Một số khu chợ đặt gần sông, sau mỗi phiên chợ kết thúc là tình trạng bờ sông ngập rác.
1.1. Nguồn phát sinh nước thải chợ
Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tươi sống tại chỗ: Khu vực bán thực phẩm tươi sống của chợ luôn trong tình trạng ẩm ướt, người bán thường sơ chế tại chỗ để đáp ứng nhu cầu người mua đặc biệt là các loại thực phẩm như cá, tôm, gà, vịt, v.v….Ngoài ra các hoạt động như gọt vỏ, loại bỏ gốc rễ rau củ cũng sản sinh một lượng lớn rác thải vào nước thải.
Hoạt động rửa sản phẩm thủy sản, nông sản: Rửa thực phẩm đông lạnh, rửa rau củ, rửa dụng cụ, thiết bị chứa đồ.
Một số nơi gom rác thải rắn lại và gom chung vào hệ thống thu gom công cộng, một số nơi xả trực tiếp ra môi trường như đổ xuống cống hoặc đổ ra sông gần đó.
1.2. Đặc điểm nước thải chợ
Nước thải chợ thường chứa rất nhiều chất thải rắn như vảy cá, rau củ hư hỏng, túi ni lông, chất vô cơ (khoảng 40%), vi sinh vật gây bệnh như vi rút gây bệnh, ký sinh trùng, nấm, tảo, đất cát, axit, protein, carbohydrate.
2. Vì sao cần xử lý nước thải chợ?
Với đặc tính thành phần ô nhiễm cao, phức tạp, nước thải chợ cần được xử lý trước khi xả ra nguồn tiếp nhận bởi những ảnh hưởng của nó như:
- Ảnh hưởng đến môi trường đất, không khí: Nước thải từ các bãi tập kết rác thấm vào đất về lâu dài thấm vào nguồn nước gây ô nhiễm mạch nước ngầm. Bên cạnh đó, mùi hôi từ nước thải cũng khiến cư dân sống gần khu vực đó bị ảnh hưởng.
- Ảnh hưởng đến môi trường nước: Nước thải từ hoạt động buôn bán tại các khu chợ xả trực tiếp xuống sông gây suy giảm chất lượng nguồn nước, nước chuyển màu đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan. Hơn nữa còn gây ra tình trạng giảm oxy trong nước, nước đục, giết chết động vật thủy sinh sống trong nước.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân: Hệ thống nước thải đen ngòm, bốc mùi nồng nặc, nhiều vũng nước đọng lại xung quanh chợ là môi trường sinh sống và phát triển lý tưởng cho các loài vi khuẩn, vi rút. Nguồn nước thải từ chợ chưa qua xử lý mang theo nhiều chất độc hại, nếu bị rò rỉ vào nguồn nước sinh hoạt thì sức khỏe của người dân bị đe dọa.
3. Công nghệ xử lý nước thải chợ
- Hố thu gom: Nước thải từ nguồn phát sinh được dẫn về hồ thu gom, để bảo vệ thiết bị và hệ thống đường ống xử lý của công trình, thiết bị lọc rác thô được lắp đặt trong hố để giữ lại các loại rác có kích thước lớn.
- Bể tách dầu mỡ: Lượng dầu mỡ trong nước thải từ các khu chợ cần được xử lý trước khi đi qua các công trình tiếp theo, dầu mỡ có trọng lượng nhẹ hơn nước nên sẽ nổi lên trên bề mặt, các váng mỡ sẽ được vớt và xử lý.
- Bể điều hòa: Nước thải được hòa trộn đồng đều trên toàn diện tích bể nhờ hệ thống phân phối phối khí, nhờ vậy, ngăn ngừa hiện tượng lắng cặn ở đáy bể và giúp ngăn mùi khó chịu. Đồng thời tại đây cũng điều hòa lưu lượng và nồng độ nước thải đầu vào.
- Bể thiếu khí Anoxic: Trong môi trường thiếu khí oxy diễn ra quá trình khử nitrat nhờ sự tham gia của vi sinh vật thiếu khí.
- Bể hiếu khí Aerotank: Hệ thống phun khí cấp khí oxy liên tục, trong điều kiện hiếu khí, các vi sinh vật hiếu khí sử dụng chất hữu cơ ô nhiễm trong nước thải là nguồn thức ăn để sinh trưởng và phát triển, phát triển sinh khối và tạo thành bùn đặc.
- Bể lắng: Lắng các bông bùn và các chất cặn bã và tách chúng ra khỏi nước thải.
- Bể khử trùng: Nước thải sau khi qua hệ thống xử lý còn tồn tại một số vi khuẩn, vi rút, vì vậy tại bể khử trùng, người ta sẽ bơm một lượng chất khử trùng như NaOH hoặc Chlorine vào để xử lý sạch sẽ mầm mống vi khuẩn gây hại.
- Xử lý bùn: Bùn dư từ hệ thống xử lý được dẫn về bể chứa bùn, sau đó bùn được làm giảm trọng lượng thông qua máy ép bùn, đơn vị xử lý sẽ thu gom và xử lý định kỳ.
Trên đây là thực trạng ô nhiễm nước thải và phương pháp xử lý nước thải chợ phổ biến hiện nay mà công ty môi trường Hợp Nhất muốn chia sẻ. Không thể từ chối sự đóng góp kinh tế to lớn từ chợ ở nước ta. Tuy nhiên để đảm bảo cân bằng hài hòa giữa kinh tế và bảo vệ môi trường, ban quản lý các khu chợ cần đẩy mạnh hơn nữa việc thu gom rác thải và xây dựng hệ thống xử lý nước thải.
Tìm hiểu thêm: xử lý nước thải giặt tẩy