Thuế Carbon là gì? Mức thuế Carbon tại các nước trên thế giới
Đã kiểm duyệt nội dung
Thuế carbon là một phương tiện để Chính phủ các nước kiểm soát và điều tiết hành vi phát thải khí CO2 vào môi trường. Thuế carbon phạt theo mức độ gây ô nhiễm trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải đóng tiền. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng thuế carbon. Cụ thể, mức thuế carbon tại các nước trên thế giới là bao nhiêu, mời các bạn cùng Hợp Nhất tìm hiểu trong bài viết sau đây.
1. Thuế carbon là gì?
Thuế carbon được hiểu là loại thuế áp dụng đối với lượng khí CO2 thải ra từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch. Đây được xem là một “công cụ kinh tế” được thiết kế để đánh thuế dựa trên hàm lượng CO2 phát thải vào nhà kính.
Bản chất của thuế carbon là để bù đắp cho những chi phí tổn thất xã hội từ việc phát thải khí CO2. Tiền thu từ thuế carbon được dùng cho việc thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tình trạng nóng lên toàn cầu.
Vì sao đánh thuế carbon? Lý do là vì khí CO2 là một trong những khí nhà kính có khả năng giữ nhiệt độ của khí quyển, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng Trái Đất nóng lên toàn cầu. Theo các số liệu báo cáo, mỗi năm trên toàn thế giới phát thải khoảng 27 tỷ tấn khí CO2 thải ra từ các hoạt động của con người. Vì vậy, cần phải điều tiết lượng khí CO2 phát thải.
2. Mức thuế carbon tại các nước trên thế giới
Theo Ngân hàng Thế giới, tính đến tháng 6 năm 2021 trên thế giới đã có 35 quốc gia áp dụng thuế carbon như: Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ, Nauy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Ireland, Pháp, v.v…
- Từ năm 2010, Ireland đã bắt đầu áp dụng thuế carbon cho tất cả lượng khí thải CO2 từ các lĩnh vực phi thương mại như giao thông, nông nghiệp, nhiệt trong các tòa nhà với mức thuế suất từ 15 EUR (17 USD) tấn vào các năm 2010, 2011 và tăng lên 20 EUR (23 USD)/ tấn kể từ năm 2012.
- Tại Anh, thuế carbon được áp dụng từ năm 2013 với mức thuế suất là 4,94 GBP (7USD)/tấn CO2. Năm 2015, mức thuế suất tăng lên là 18,08 GBP (26 USD)/ tấn CO2. Giai đoạn 2016 – 2018, mức thuế carbon tiếp tục tăng lên lần lượt là 21,2 GBP (30 USD) và 24,6 GBP (35 USD)/tấn CO2.
- Ở Úc, thuế carbon là 26 USD/tấn CO2 (áp dụng từ ngày 01.07.2012).
- Còn tại Pháp, thuế carbon có hiệu lực từ tháng 4 năm 2014 với mức thuế suất là 7 EUR (8 USD)/tấn CO2. Năm 2016, mức thuế suất này tăng lên 24 EUR(27 USD)/tấn. Năm 2020 là 56 EUR (62 USD)/tấn CO2 và năm 2030 là 100 EUR (110 USD)/tấn CO2.
- Mới đây nhất là Thái Lan, quốc gia này dự định sẽ áp dụng thuế carbon từ tháng 9 năm 2023 đối với hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ có thải ra khí carbon.
- Trong tương lai, Liên minh châu Âu (EU) sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này căn cứ vào cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất hàng hóa tại quốc gia sản xuất.
- Ở nước ta, Thuế bảo vệ môi trường được xem là hình thức gián tiếp của thuế carbon, áp dụng đối với các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu và sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng mức thuế này chưa thật sự phản ánh đúng bản chất của định giá carbon.
Ngày 7.1.2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ lượng khí phát thải nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Trong Nghị định cũng ghi rõ về thời điểm triển khai, lộ trình phát triển của thị trường carbon trong nước. Tuy nhiên, việc xây dựng và vận hành việc này đòi hỏi một quá trình lâu dài đòi hỏi đầu tư về nhân lực, tài chính và kỹ thuật.
Có thể thấy, thuế carbon là một trong những công cụ được nhắc đến phổ biến trong cuộc chiến chống lại tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, việc thực thi thuế carbon hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn ở các quốc gia do phụ thuộc vào nhiều yếu tố thực tiễn như tình hình kinh tế - xã hội, chính sách pháp luật, cân nhắc cả tính phù hợp của thuế carbon với các loại thuế khác, v.v…
3. Vai trò của thuế carbon
Thuế carbon có nhiều vai trò, một số vai trò nổi bật có thể kể đến như sau:
- Thuế carbon là công cụ định giá phát thải. Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng thuế carbon nhằm nỗ lực cắt giảm khí thải nhà kính và khuyến khích sử dụng năng lượng sạch.
- Là công cụ kinh tế hiệu quả trong giảm thiểu phát thải khí nhà kính, ngăn chặn tình trạng nóng lên của Trái Đất.
- Tạo ra nguồn ngân sách đáng kể cho các quốc gia. Nguồn thu đóng góp vào ngân sách Nhà nước để khuyến khích tăng trưởng xanh và các mục tiêu về môi trường.
- Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời.
Có thể nói, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt thì các doanh nghiệp cần phải đổi mới công nghệ, ưu tiên sử dụng năng lượng xanh để đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất xanh bền vững thì sẽ có lợi thế nổi trội có được “thẻ xanh” để trở thành nhà cung ứng, đối tác bền vững cho các thị trường quan trọng.
Bạn đang đọc bài viết: “Thuế Carbon là gì? Mức thuế Carbon tại các nước trên thế giới” tại chuyên mục tin tức của Hợp Nhất.
Công ty tư vấn môi trường cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết. Mọi góp ý về nội dung hoặc câu hỏi bạn có thể để lại bình luận bên dưới, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ. Đừng quên ấn theo dõi để nhận được những thông tin mới, hẹn gặp lại bạn ở những chủ đề tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm: