Tình Hình Tái Sử Dụng Nước Mưa Làm Nước Sản Xuất Ở Nước Ta
Đã kiểm duyệt nội dung
Hiện nay ở nhiều quốc gia, nước mưa rơi trên khu vực đô thị và khu công nghiệp có thể được xử lý đạt tiêu chuẩn xả thải theo quy định hoặc có thể xử lý tái sử dụng vào các mục đích khác nhau tùy yêu cầu. Trong nội dung dưới đây, chúng ta cùng tìm hiểu thông tin về việc tái sử dụng nước mưa làm nước sản xuất.
1. Quy định và hiện trạng thu gom, tái sử dụng nước mưa ở nước ta hiện nay
Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với tổng lượng mưa trung bình phổ biến từ 1.400 mm – 2.400 mm. Lượng mưa ở nước ta nói chung có thể được xem là nguồn bổ sung dồi dào cho nguồn nước mặt, nước ngầm và là nguồn cấp chính cho những khu vực thiếu nước ngọt hoặc dự báo thiếu nước mặt trong tương lai.
Ở nước ta, từ năm 2012 Chính phủ đã ra quyết định 1393/QĐ-TTg về việc khuyến khích các công trình thu gom và tái sử dụng nước mưa, nước thải hiệu quả, tiết kiệm.
Điều 19, 20 Nghị định 80/2015/NĐ- CP về thoát nước cũng có đề cập đến việc tái sử dụng nước mưa. Quyết định 589/2014/NĐ-CP ngày 6/4/2016 có quy định đến năm 2025 các đô thị Việt nam cần có giải pháp thu gom, xử lý và tái sử dụng nước mưa.
Nghị quyết Đại hội XIII về định hướng phát triển kinh tế đất nước cũng nêu rõ, phải “xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.
Mặc dù trong các văn bản pháp lý đã có nhiều chính sách khuyến khích về việc thu gom, xử lý và tái sử dụng nước mưa, tuy nhiên việc triển khai tái sử dụng nước mưa ở đô thị nước ta còn còn khiêm tốn và việc ứng dụng vào thực tế cũng khá mới mẻ.
2. Giới thiệu về phương pháp tái sử dụng nước mưa
Thành phần nước mưa là một yếu tố quan trọng để lựa chọn công nghệ xử lý cho các trạm xử lý nước bề mặt. Hiện nay công nghệ CDI – được nghiên cứu bởi TS. Đỗ Hữu Quyết Giảng, đây được xem là công nghệ tiên tiến trong việc ứng dụng để tái sử dụng nước mưa.
Việc tái sử dụng nước mưa bằng công nghệ CDI được áp dụng tại các khu công nghiệp, khu dân cư, tòa nhà nhằm giải quyết vấn đề về thiếu nước sạch, giảm thiểu lượng nước thải và tình trạng ngập lụt tại các khu đô thị.
Cách thức hoạt động
Đầu tiên là nước mưa được thu gom từ mái nhà đi vào đường ống, kế tiếp là người ta đặt các lõi điện cực âm và điện cực dương đặt song song với hướng chảy của nước, khi nước đi qua các lõi điện, điện cực âm sẽ hút các chất axit trong nước mưa (tồn tại dưới dạng ion dương hòa tan) dựa trên nguyên lý trái dấu thì hút nhau. Sau đó các ion âm và ion dương được xả bằng cách đổi chiều điện cực, nhờ vậy lực đẩy hình thành và đưa các ion này ra ống dẫn chất thải.
Hệ thống tái sử dụng nước mưa với công nghệ lọc CDI có hiệu suất xử lý tốt, tiết kiệm điện năng, nước sau khi lọc có độ tinh khiết cao và có thể uống trực tiếp. Bên cạnh đó, hệ thống có khả năng thu hồi nước lên đến 90% và không thải các chất độc hại ra môi trường. Việc thu gom và tái sử dụng nước mưa bằng công nghệ CDI có thể được thực hiện cả quy mô công nghiệp và gia đình, biến nước mưa thành nước có thể dùng trong sinh hoạt và cả sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần vào việc bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên phương pháp này vẫn tồn tại nhiều hạn chế như lưu lượng nước mưa thường không ổn định như nước sông, nước giếng, không đủ cung cấp vào mùa khô, nước sau khi xử lý thiếu các khoáng chất chất thiết. Thêm vào đó bộ lọc CDI cũng không thể lọc sạch 100% vi sinh vật nên nếu dùng ở quy mô công nghiệp chúng ta cần kết hợp thêm công nghệ ozone để tăng cường hiệu quả xử lý.
Trên đây là một số thông tin về tình hình tái sử dụng nước mưa làm nước sản xuất ở nước ta. Có thể thấy, việc sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, đặc biệt là trước tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng gây nguy cơ thiếu hụt nước mặt, nước ngầm. Vì vậy, việc tái sử dụng nước mưa sẽ trở thành xu hướng và cần được phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai.