[Hiểu biết mỗi ngày] Ứng phó với biến đổi khí hậu là gì?
Đã kiểm duyệt nội dung
Nếu thường xuyên theo dõi tin tức, báo chí thì chắc hẳn bạn sẽ thấy cụm từ “ứng phó với biến đổi khí hậu” đang xuất hiện khá nhiều. Cụm từ này thật ra không quá xa lạ và đã được quy định trong luật bảo vệ môi trường, tuy nhiên hiện nay nó vẫn được ít người biết đến. Chủ đề bài viết hôm nay, moitruonghopnhat.com sẽ cung cấp thông tin về nội dung “ứng phó với biến đổi khí hậu là gì?” và những kiến thức liên quan, mời bạn cùng theo dõi.
1. Ứng phó với biến đổi khí hậu là gì?
Chúng ta có thể hiểu khái niệm về cụm từ này theo 2 hướng là: suy nghĩ cá nhân và theo quy định của pháp luật.
- Theo suy nghĩ cá nhân: ứng phó với biến đổi khí hậu chính là con người nghĩ ra cách để thích nghi và chống lại sự biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng.
- Theo quy định pháp luật: ứng phó với biến đổi khí hậu là hoạt động của con người nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. (Khoản 32 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).
Như vậy, theo cách giải thích bên trên, ta có thể phân tích được “ứng phó với biến đổi khí hậu” gồm 2 hoạt động chính:
- “Thích ứng” với biến đổi khí hậu đã có sẵn;
- “Giảm thiểu” phát thải và giữ ổn định mức khí nhà kính đang sẵn có trong khí quyển.
Như vậy con người sẽ “thích ứng” và “giảm thiểu” hiện tượng biến đổi khí hậu như thế nào? Bạn hãy đọc nội dung dưới đây sẽ rõ.
2. Giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu
Có nhiều biện pháp được con người đưa ra nhằm giảm thiểu và thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay, dưới đây là một số thông tin về hoạt động tiêu biểu:
2.1. Cách để giảm thiểu biến đổi khí hậu
“Giảm thiểu” theo ngữ cảnh ở đây nghĩa là giảm phát thải lượng khí nhà kính vào bầu khí quyển, bằng cách:
- Giảm nguồn phát thải: giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt… Làm sạch khí thải từ hoạt động của nhà máy trước khi xả thải ra môi trường…
- Tăng nguồn lọc, tích trữ lượng khí thải nhà kính: trồng thêm cây xanh, bảo vệ môi trường biển, đất, sử dụng cây nhân tạo để tăng năng suất lọc khí.
- Tái chế rác thải, mở rộng việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để bảo vệ môi trường và hạn chế phát sinh khí thải.
2.2. Cách để thích ứng với biến đổi khí hậu
“Thích ứng” theo thực trạng biến đổi khí hậu hiện tại. Có những kế hoạch cho cuộc sống hoặc điều chỉnh khí hậu theo hướng tích cực trong tương lai, một số ví dụ cụ thể như:
- Hiện nay tình trạng khí hậu diễn biến thất thường, dẫn đến mùa vụ không ổn định có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Những loại cây lai tạo để thích ứng với môi trường được tạo ra để giúp đảm bảo lương thực trên thế giới.
- Các chương trình, hội nghị, luật… liên quan đến nước biển dâng, thời tiết cực đoan… thường xuyên được tổ chức để tìm ra hướng giải quyết (giảm thiểu hoặc thích ứng).
- Các hiệp ước toàn cầu chung tay bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải được nhiều nước tham gia và rất quyết tâm để hoàn thành mục tiêu.
Chúng tôi vừa liệt kê một số trong rất nhiều các phương án, đề xuất nhằm “giảm thiểu” và “thích ứng” với biến đổi khí hậu. Vậy tại Việt Nam, chính phủ đã có những quy định hay pháp luật liên quan đến vấn đề này chưa? Cùng Hợp Nhất tìm hiểu nội dung ngay dưới đây nhé.
3. Luật bảo vệ môi trường về ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu
Dưới đây là 2 điều được quy định trong luật bảo vệ môi trường về “ứng phó với biến đổi khí hậu” và “thích ứng với biến đổi khí hậu”, bạn nên xem để nắm rõ thông tin.
3.1. Quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu
Báo cáo Quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu được ghi rõ trong điều 95, Luật bảo vệ môi trường năm 2020, cụ thể như sau:
- Nội dung báo cáo quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu bao gồm:
- Tổng quan diễn biến, tác động của biến đổi khí hậu;
- Kết quả kiểm kê quốc gia khí nhà kính;
- Nỗ lực và hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu;
- Nguồn lực trong nước và quốc tế dành cho ứng phó với biến đổi khí hậu;
- Tình hình thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu;
- Dự báo tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế, xã hội, môi trường;
- Kiến nghị giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm hằng năm lập báo cáo về ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường định kỳ 05 năm một lần xây dựng báo cáo quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội; hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo về ứng phó với biến đổi khí hậu.
3.2. Quy định về thích ứng với biến đổi khí hậu
Quy định về thích ứng với biến đổi khí hậu theo Điều 90 Luật Bảo vệ môi trường 2020 như sau:
- Thích ứng với biến đổi khí hậu là các hoạt động nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và xã hội, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và tận dụng cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại.
- Nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu bao gồm:
- Đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, khu vực và cộng đồng dân cư trên cơ sở kịch bản biến đổi khí hậu và dự báo phát triển kinh tế - xã hội;
- Triển khai hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng và dựa vào hệ sinh thái; ứng phó với nước biển dâng và ngập lụt đô thị;
- Xây dựng, triển khai hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm sau đây:
- Tổ chức thực hiện quy định tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều 90 Luật Bảo vệ môi trường 2020;
- Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu và định kỳ rà soát, cập nhật 05 năm một lần; hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia;
- Tiêu chí xác định dự án đầu tư, nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; tiêu chí đánh giá rủi ro khí hậu;
- Hướng dẫn đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu;
- Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu;
- Xây dựng và tổ chức thực hiện hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia.
- Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:
- Thực hiện nội dung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 90 Luật Bảo vệ môi trường 2020 theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Tổ chức đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; định kỳ hằng năm tổng hợp, gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Xây dựng và tổ chức thực hiện việc giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp ngành, cấp địa phương trong phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực.
Như vậy chúng ta đã biết được nhà nước ta đã ban hành luật liên quan đến biến đổi khí hậu, và việc ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của tất cả mọi người, những quy định được đưa ra phải được nghiêm túc thực hiện để đạt được kết quả tốt nhất.
4. Tổng kết
Ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn nhân loại, mỗi người trong chúng ta phải có ý thức để góp phần giữ gìn môi trường sống ở hiện tại và tương lai để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, và cũng vì tương lai con em chúng ta sau này.
[Có thể bạn chưa biết] Việt Nam đứng thứ 6/195 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của nước biển dâng (theo Wikipedia), đây chính là một hậu quả của hiện tượng biến đổi khí hậu. Vậy nên, mọi người bằng những hành động thiết thực như: phân loại rác, giảm xả thải, tăng cường sử dụng phương tiện công cộng… và tuân thủ theo quy định của nhà nước để bảo vệ đất nước khỏi hậu quả của biến đổi khí hậu nhé.
5. Tài liệu tham khảo (Reference Material)
Bài viết của chúng tôi có sử dụng hình ảnh và tài liệu tham khảo từ một số nguồn:
- Luật bảo vệ môi trường năm 2020 (Điều 90, Điều 95);
- Website của Nasa: climate.nasa.gov;
- Hình ảnh minh họa từ Internet.
Nội dung hay, nên tìm hiểu: