Xử lý bùn khó lắng bằng phương pháp hóa học
Đã kiểm duyệt nội dung
Có nhiều phương pháp xử lý bùn khó lắng, trong đó xử lý bùn khó lắng bằng phương pháp hóa học được sử dụng khá phổ biến. Trong bài viết này chúng tôi đề cập đến việc sử dụng Chlorine (Cl2) và Peroxide hydro (H2O2) để xử lý bùn khó lắng. Mời bạn cùng theo dõi chi tiết nội dung bài viết ngay dưới đây.
1. Xử lý bùn khó lắng bằng Chlorine (Cl2)
Xử lý bùn khó lắng bằng Chlorine là phương pháp được sử dụng rộng rãi cách đây hơn 50 năm. Các nhà máy sử dụng chlorine để giải quyết vấn đề bùn khó lắng, việc sử dụng chlorine chỉ có hiệu quả đối với các trường hợp bùn khó lắng do vi sinh vật hình sợi gây ra, nếu từ một nguyên nhân khác thì việc sử dụng chlorine sẽ làm cho tình trạng nước thải đầu ra tồi tệ hơn.
Trong nước thải, để xử lý vấn đề bùn khó lắng người ta bổ sung Chlorine dưới dạng khí Cl2 hoặc NaOCl vào bể hiếu khí hoặc bùn tuần hoàn. Trong nước khí Clo sẽ thủy phân theo phương trình sau:
Cl2 + H2O -> HOCl + H+ + Cl-
HOCl (acid hypochlorous) rất có hiệu quả trong việc làm bất hoạt vi khuẩn gây bệnh và chỉ thị. Clo có thể gây hai loại tổn thương đối với tế bào vi khuẩn như sau:
- Thứ nhất: Clo tự do hủy hoại tính toàn vẹn của màng tế bào vi khuẩn, do đó dẫn đến mất tính thấm tế bào và hủy hoại những chức năng khác của tế bào. Tiếp xúc với Clo dẫn đến việc rò rỉ Protein, ARN, ADN, từ đó tế bào giảm tổng hợp ADN và protein rồi chết đi.
- Thứ hai: Clo gây tổn thương acid nhân và enzyme của tế bào vi khuẩn, làm ức chế hoạt động của vi khuẩn.
Sử dụng Chlorine ở mức nồng độ thích hợp là một việc rất quan trọng sao cho có thể tiêu diệt các loài vi sinh vật hình sợi mà vẫn đảm bảo việc phát triển tốt các vi sinh vật tạo bông trong bùn hoạt tính. Nồng độ Chlorine thích hợp cho vào bùn hoàn lưu là khoảng 10 – 20 mg/l và cho khoảng 3 lần mỗi ngày. Điểm châm chlorine là nơi có dòng chảy rối, ngay tại buồng phân phối của bể lắng thứ cấp, hay tại một bể riêng (bùn được bơm vào đây và khuấy trộn trước khi hoàn lưu).
Tuy nhiên, giải quyết vấn đề bằng phương pháp này có một số nhược điểm như sau:
- Nó chỉ là một chiến lược khắc phục hậu quả tạm thời.
- Thêm một phần chi phí cho hoạt động của hệ thống.
- Đòi hỏi tính cẩn thận, thường xuyên kiểm tra để tránh quá liều làm mất tính ổn định của hệ thống.
Ngoài ra, ta còn sử dụng peroxide hydro (H2O2) để giải quyết vấn đề bùn khó lắng.
2. Xử lý bùn khó lắng bằng peroxide hydro (H2O2)
Một trong những cách thay thế việc dùng Chlorine là ta dùng H2O2, H2O2 là một chất lỏng trong suốt, nhớt hơn một chút so với nước. Nó có tính oxy hóa vì thế nó cũng được sử dụng trong tẩy trắng và khử trùng nước. H2O2 được coi là chất thay thế tốt hơn về mặt môi trường so với các chất tẩy gốc clo. Hydrogen peroxide có thể phân hủy tự nhiên thành nước và oxy, thông thường nó phản ứng như là một chất oxy hóa.
2 H2O2 → 2 H2O + O2 + Nhiệt lượng
Việc sử dụng H2O2 để tiêu diệt vi khuẩn hình sợi đã được nghiên cứu tại phòng thí nghiệm thiết bị môi trường của FMC tại San Jose – California, H2O2 tấn công vào các sợi và kết quả là làm phá vỡ các liên kết.
Đối với H2O2, hàm lượng khống chế bùn khó lắng khoảng 100 – 200mg/l. Nếu liều lượng sử dụng quá dư sẽ giết chết vi khuẩn tạo bông và hậu quả là không giải quyết được vấn đề bùn khó lắng.
Yêu cầu đối với mỗi phương pháp sử dụng là ta cần phải có các phương tiện đầy đủ tương ứng để thực hiện.
Bộ phận Truyền thông & Marketing
Có thể bạn quan tâm: