Xử Lý Khí Thải Phun Sơn
Đã kiểm duyệt nội dung
Phun sơn là hoạt động được ứng dụng trong nhiều lĩnh như công nghiệp xây dựng, tàu biển, cơ khí, ô tô, sản xuất đồ nội thất,… giúp tạo ra lớp phủ bề mặt sản phẩm bóng đẹp và hiệu quả hơn so với các công nghệ khác.
1. Đặc điểm của khí thải phun sơn
Để sơn một sản phẩm, người ta có thể sử dụng buồng sơn màng khô hoặc buồng sơn màng nước. Trước khi sơn bất kỳ sản phẩm nào thì bề mặt của chúng cũng cần được xử lý sạch để đảm bảo bộ phận đó không bị gỉ sét và dính dầu mỡ. Vì vậy việc tẩy rửa và sấy khô sản phẩm là hai công đoạn không thể thiếu trong quá trình phun sơn. Đó cũng là nguyên nhân khí thải, bụi sơn chứa thành phần đa dạng.
Quy trình phun sơn diễn ra như sau:
Sản phẩm sau khi gia công > Xử lý tẩy rửa > Sấy > Phun sơn lót > Phun sơn tĩnh điện > Sơn dầu bóng (nếu có) > Hoàn thiện
Khí thải từ các hoạt động sơn có đặc điểm như sau:
- Bụi sơn chứa bột sơn tĩnh điện như bột nhựa Polyetylen, Polypropylen, Polyvinyl Clorua, bột màu, phụ gia tạo cứng.
- Sơn dùng cho sơn màng nước: Isopropyl alcohol cùng các chất như Thinner và turpentine đồng thời pha với dung môi pha sơn khác tăng tính mau khô của sơn.
- Xylene, toluen, bột màu, khí argon, dầu DO, dầu nhớt, dầu thủy lực, khí butan (50%), Dung môi hydrocacbon (35%), Dầu silicon dimethyl (10%).
- Quá trình sấy sau sơn sẽ phát sinh nhiệt dư, hơi nhựa (Polyethylene, Polypropylen, Polyvinyl Clorua) từ trong thành phần sơn.
Độc tính của dung môi sơn: trong quá trình sơn, các dung môi thường sử dụng là xăng, dầu hỏa, toluen, xylen, etylaxetat… Ở nồng độ thấp, các chất này kích thích da mắt, đường hô hấp, ở liều cao có thể dẫn đến ngộ độc, kích thích hệ thần kinh. Chủ đầu tư cần lưu ý để có biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tác động này. Ngoài ra, các phụ liệu được sử dụng trong quá trình sơn, xì như hạt kim loại, hóa chất, bột sơn, dung môi... cũng gây nên những tác động tiêu cực đến môi trường không khí xung quanh và công nhân làm việc trực tiếp.
2. Các hệ thống xử lý khí thải phun sơn
Sau khi phân tích các thành phần, nồng độ chất ô nhiễm tại các nhà máy sản xuất có công đoạn sơn, đơn vị chuyên môn sẽ lên phương án thiết kế hệ thống xử lý phù hợp. Dưới đây là minh họa về hệ thống xử lý khí thải phun sơn.
2.1. Quy trình xử lý hơi dung môi tại buồng sơn màng nước
Hơi dung môi > Chụp hút > Tháp hấp phụ than hoạt tính > Quạt hút > Ống khói
Thuyết minh quy trình: Hơi dung môi, hợp chất hữu cơ tại buồng phun sơn màng nước được chụp hút hút vào và đưa vào tháp hấp phụ than hoạt tính. Trong tháp hấp phụ than hoạt tính, hợp chất hữu cơ đi từ dưới lên, tiếp xúc với vật liệu hấp phụ là lớp than hoạt tính bên trong tháp. Sau khi đi qua lớp vật liệu này thì hơi hợp chất hữu cơ sẽ bị giữ lại ở bề mặt của lớp than hoạt tính. Sau một thời gian (3 – 6 tháng), vật liệu hấp phụ sẽ bão hòa và cần được thay mới. Sau quá trình xử lý, phần khí sạch theo ống dẫn khí thoát ra ngoài môi trường.
2.2. Quy trình công nghệ xử lý bụi sơn từ công đoạn sơn tĩnh điện
Bụi sơn > Ống thu gom > Quả lọc filter > Quạt hút
Đối với dây chuyền sơn tĩnh điện, bụi sơn phát sinh sẽ được xử lý và thu hồi bằng hệ thống Filter lọc bụi sử dụng cơ cấu rung rũ bụi bằng khí nén.
Thuyết minh quy trình: Hệ thống thu hồi bụi sơn bao gồm: Quạt hút khí và quả lọc filter gắn trong buồng sơn, dạng khép kín thu hồi và tái sử dụng nguồn sơn này, thực hiện cố định. Quả lọc bụi Filter gồm những lớp màng vải, bụi phát sinh sẽ bám vào màng. Định kỳ 5 phút rũ bụi/lần bằng cách vừa rung, vừa bơm khí nén để làm sạch màng ngăn, bụi rơi xuống và được chứa trong thùng chứa sơn.
2.3. Quy trình công nghệ hệ thống xử lý khí thải từ buồng sấy sau sơn tĩnh điện
Khí thải từ buồng sấy sau sơn tĩnh điện > Chụp hút > Quạt hút > Tháp hấp phụ than hoạt tính > Ống thải
Thuyết minh quy trình: Khí thải phát sinh từ buồng sấy sau công đoạn sơn tĩnh điện sẽ được thu gom bởi hệ thống chụp hút (chụp hút được bố trí tại cửa ra của lò sấy) kết nối với quạt hút. Thiết bị dùng trong phương pháp này hoạt động theo nguyên tắc chuyển động từ dưới lên. Hơi hợp chất hữu cơ đi từ dưới lên, tiếp xúc với lớp vật liệu hấp phụ là than hoạt tính ở trong tháp, sau khi qua lớp vật liệu này hơi hợp chất hữu cơ sẽ bị hấp phụ bởi than hoạt tính.
Trên đây là một số thông tin về hệ thống xử lý khí thải phun sơn tại một nhà máy sản xuất. Việc thiết kế công nghệ xử lý ở mỗi nơi sẽ được thực hiện sau quá trình khảo sát, phân tích nồng độ chất ô nhiễm, lưu lượng khí thải, khói, bụi cần xử lý, diện tích lắp đặt hệ thống, chi phí đầu tư, v.v…
Việc lắp đặt, xây dựng hệ thống xử lý khí thải là giải pháp giúp bảo vệ môi trường, tuân thủ đúng theo quy định của Nhà nước và cũng là cách giúp doanh nghiệp yên tâm hoạt động bền vững, phát triển lâu dài.
Quý Doanh nghiệp có thể tham khảo thêm các phương pháp xử lý khí thải các lĩnh vực khác tại website: moitruonghopnhat.com hoặc liên hệ trực tiếp Hotline: 0938.857.768 để biết chi phí sơ bộ.