Xử Lý Nước Thải Lò Hấp Cá
Đã kiểm duyệt nội dung
Đặc trưng của nước thải phát sinh từ các lò hấp cá là chứa nhiều dầu mỡ, chất hữu cơ và mùi hôi tanh, nếu xả trực tiếp ra môi trường sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Việc xử lý nước thải lò hấp cá là vô cùng cần thiết nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sống và tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong nội dung dưới đây, mời các bạn cùng tham khảo hệ thống xử lý nước thải lò hấp cá.
1. Các nguồn phát sinh và đặc điểm nước thải lò hấp cá
Tùy vào nhu cầu thị trường tiêu thụ mà các lò hấp cá có quy trình hấp và chế biến khác nhau. Dưới đây là quy trình chế biến cá ngừ hấp tại một nhà máy:
Quy trình chế biến cá ngừ hấp
Nguyên liệu > Xả đông > Rửa > Phân kích cỡ > Xếp khay hấp > Đưa vào tủ hấp, hấp cá > Ra tủ hấp > Làm nguội > Các công đoạn chế biến (gỡ xương, lấy xương nhỏ, máu bầm) > Lên hàng, xếp khuôn > Cấp đông > Đóng gói > Bảo quản > Xuất hàng
Từ quy trình chế biến trên, có thể thấy, nước thải phát sinh từ các công đoạn như sau:
- Nước thải từ khu vực tiếp nhận nguyên liệu;
- Nước thải từ quá trình chế biến (xả đông, rửa, hấp, nấu, làm nguội, vệ sinh thiết bị);
- Nước thải từ khu vực lưu phế phẩm thủy sản;
- Nước thải từ hệ thống xử lý khí thải lò hơi, nước xả đáy lò hơi;
- Nước thải từ máy ép bùn, nhà phế liệu.
Ngoài nước thải sản xuất, còn có nước thải sinh hoạt (nước thải từ bồn cầu, nước thải từ hoạt động vệ sinh văn phòng, sàn nhà vệ sinh, lavabo, nước thải từ nhà ăn).
Đặc điểm, tính chất nước thải sản xuất
Nước thải có màu nâu đen, mùi hôi tanh (do các hợp chất hữu cơ có thể sinh ra khí H2S, NH3 gây mùi hôi), nhiệt độ cao do quá trình nấu hấp cá.
- Thành phần: Chứa nhiều dầu mỡ, protein, chất hữu cơ phân hủy từ đầu, xương, nội tạng, mảnh vụn cá, cặn bã, mỡ đông tụ.
- Tính chất ô nhiễm: COD, BOD cao, TSS lớn, giàu nitơ (NH₄⁺, TKN) và phospho, dễ gây ô nhiễm môi trường nếu không xử lý.
- Yêu cầu xử lý: Cần tách dầu mỡ, xử lý sinh học hiếu khí/thiếu khí để giảm tải hữu cơ.
2. Hệ thống xử lý nước thải lò hấp cá
Hệ thống thu gom nước thải
Nước thải sản xuất (từ quá trình chế biến thủy sản, nước thải từ khu vực tiếp nhận nguyên liệu, nước thải từ khu vực lưu phế phẩm thủy sản, nước thải từ nhà máy ép bùn, nhà phế liệu) > Hố thu gom > Hệ thống XLNT > Nguồn tiếp nhận
Nước thải từ bồn cầu > Bể tự hoại 3 ngăn > Hệ thống XLNT > Nguồn tiếp nhận
Nước thải từ vệ sinh văn phòng, sàn nhà vệ sinh, lavabo > Hệ thống XLNT > Nguồn tiếp nhận
Nước thải từ nhà ăn > Bể tách mỡ > > Hệ thống XLNT > Nguồn tiếp nhận
Tóm tắt quy trình công nghệ
Nước thải > Hố thu gom và tách dầu mỡ > Bể điều chỉnh pH > Bể tuyển nổi DAF > Bể đông tụ và tạo bông > Bể lắng hóa lý > Bể điều hòa thủy phân sinh học > Bể lọc sinh học bán kỵ khí UAF > Bể khử Nitơ > Bể MBBR > Bể sinh học hiếu khí > Bể lắng bùn sinh học > Bể lắng Phospho > Bể khử trùng > Nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn và xả ra môi trường.
Thuyết minh quy trình xử lý
Hệ thống thu gom nước thải: Toàn bộ nước thải phát sinh từ quá trình sinh hoạt và sản xuất sẽ được thu gom về hệ thống xử lý nước thải của nhà máy. Tại hố thu gom được bố trí thiết bị lược rác nhằm giữ lại rác thô, chất rắn có kích thước lớn, tránh làm ảnh hưởng đến máy móc, thiết bị trong hệ thống xử lý nước thải.
Từ hố thu gom, nước thải được bơm vào bể tuyển nổi để loại bỏ dầu, mỡ cá.
Cụm bể tuyển nổi (Bể tạo bông, bể điều chỉnh pH, bể tuyển nổi)
- Bể đông tụ: Tại bể, dung dịch PAC sẽ được châm vào trong nước để kết tủa cặn lơ lửng, sau đó nước thải sẽ chảy qua bể tạo bông.
- Bể tạo bông: Thực hiện quá trình kết bông với dung dịch Polymer rồi sau đó nước thải chảy vào ống lắng trung tâm của bể lắng hóa lý để loại bỏ SS và một phần COD.
- Bể lắng hóa lý: Bùn sẽ lắng xuống đáy bể, còn nước thải sẽ dâng lên bề mặt và tự chảy vào Bể điều hòa thủy phân sinh học
- Bể lọc sinh học bán kỵ khí UAF: Bắt đầu quá trình phân hủy kỵ khí để xử lý các thành phần COD trong nước thải. Quá trình xử lý kỵ khí diễn ra nhờ vào hoạt động của vi sinh vật kỵ khí lơ lửng trong lớp bùn sinh khối hay còn gọi là đệm bùn lơ lửng ở phần giữ bể nhờ chế độ thủy lực đều đặn và sự thoát khí metan.
- Cụm bể: Bể khử Nitơ, bể MBBR, bể hiếu khí: Nước thải sau khi qua bể lọc sinh học bán kỵ khí đã giảm đáng kể các thành phần BOD, COD và tự chảy vào bể khử nitơ, bể MBBR. Tại đây diễn ra quá trình phân hủy sinh học hiếu khí mạnh mẽ và nhờ vậy mà hàm lượng BOD giảm đi đáng kể. Song song đó là sự chuyển hóa Amoni (NH4+ ) thành Nitrate (NO3-)
- Bể lắng: Lắng bùn sinh khối xuống đáy bể và một phần bùn được bơm tuần hoàn trở về bể khử nitơ, phần bùn dư được đưa đến bể chứa bùn.
- Bể khử trùng: Khử trùng nước thải sau quá trình xử lý nhằm đảm bảo vi sinh vật, virus được tiêu diệt, đảm bảo an toàn cho nguồn tiếp nhận.
- Bể chứa bùn: Bùn bị nén lại để giảm thiểu thể tích, sau đó được bơm vào máy ép bùn để tách nước, giảm thể tích. Bùn sau tách nước được đơn vị có chức năng thu gom và xử lý định kỳ.
- Hóa chất, vật liệu sử dụng: NaOH, Polymer, PAC, hóa chất sa lắng Phospho (hoặc hóa chất khác tương đương) đảm bảo chất lượng nước sau xử lý đạt yêu cầu.
Trên đây là một số thông tin về hệ thống xử lý nước thải lò hấp cá. Đối với các cơ sở chế biến có công suất và quy trình chế biến khác nhau thì sơ đồ công nghệ sẽ được thiết kế cho phù hợp.
Quý Doanh nghiệp đang có nhu cầu xử lý nước thải lò hấp cá hoặc các ngành nghề khác, xin vui lòng liên hệ hotline 0938.857.768 hoặc gửi thư mời chào giá về email: congthongtin@moitruonghopnhat.com, xin cảm ơn.